Việc cung cấp dịch vụ công ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ ở mức trung bình

Việc cung cấp dịch vụ công ở các Bộ, cơ quan ngang Bộ chỉ ở mức trung bình
Tạp chí Nhịp sống số - Đây là thông tin được đưa ra tại Hội thảo quốc gia Chính phủ điện tử 2018 với chủ đề “Phát triển Chính phủ điện tử hướng tới nền hành chính hiện đại và hiệu quả” diễn ra sáng nay (7/5) tại Hà Nội. Sự kiện do Tập đoàn Dữ liệu quốc tế IDG phối hợp với Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức.

ứng dụng CNTT, chính phủ điện tử, Dịch vụ công, IDG, Hội truyền thông số,

Phát biểu khai mạc hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, việc ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử được Đảng, Nhà nước đặt ra như một nhiệm vụ trọng tâm với các cấp, các ngành trong thời gian qua. Điều này được thể hiện qua nhiều văn bản chỉ đạo cũng như những hành động cụ thể: thành lập Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT trên cơ sở kiện toàn lại Ban chỉ đạo Quốc gia về CNTT, phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2016-2020...

Thời gian gần đây, Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì nhiều cuộc họp về xây dựng Chính phủ điện tử để lắng nghe ý kiến của các cơ quan chức năng, các chuyên gia trong nước và quốc tế. Thủ tướng đã cử một đoàn công tác cấp Bộ trưởng đi tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm của một số nước có trình độ phát triển Chính phủ điện tử cao như Hàn Quốc, Estonia và một số nước khác. Đồng thời, Chính phủ đã có kế hoạch cụ thể để ban hành Nghị quyết mới về một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để phát triển Chính phủ điện tử trong giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2025.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chuẩn bị cho việc thành lập Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trên cơ sở kiện toàn lại Ủy ban quốc gia về ứng dụng CNTT. Thủ tướng Chính phủ sẽ làm Chủ tịch Ủy ban này. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam sẽ làm Phó Chủ tịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ sẽ làm Tổng Thư ký của Ủy ban; các Bộ trưởng sẽ tham gia vào Ủy ban Quốc gia về Chính phủ điện tử trong thời gian tới.

Hưởng ứng chủ trương này, Bộ TT&TT cùng với các Bộ, ngành, địa phương đã tích cực thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 36, Nghị quyết 36a cùng các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và đã đạt được những kết quả nhất định trong việc triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử; đã có những điểm sáng nhất định về ứng dụng CNTT, xây dựng Chính phủ điện tử.

Tuy nhiên, theo đánh giá chung, kết quả đạt được thực tế còn chưa được như mong muốn. Chia sẻ về vấn đề này tại Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Minh Hồng nói: “Tôi hi vọng qua hội thảo này, các nhà quản lý, các chuyên gia, cộng đồng doanh nghiệp CNTT có cơ hội cùng nhau chia sẻ, trao đổi hiện trạng phát triển Chính phủ điện tử tại nước ta, để có những bước đi phù hợp cho hoạt động ứng dụng CNTT xây dựng Chính phủ điện tử đi vào thực chất, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn”.

Tại hội thảo, Hội Truyền thông số Việt Nam đã công bố bảng xếp hạng mức độ ứng dụng CNTT/xây dựng Chính phủ điện tử cho 3 khối: các Bộ, cơ quan ngang Bộ; cơ quan thuộc Chính phủ và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2017. Đây là kết quả sự hợp tác giữa Cục Tin học hóa - Bộ TT&TT và Hội Truyền thông số Việt Nam nhằm mục đích đánh giá mức độ ứng dụng CNTT trong việc phát triển Chính phủ điện tử; quản lý, triển khai điều hành và cung cấp dịch vụ công tại các Bộ và cơ quan ngang bộ, các cơ quan Chính phủ, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong năm 2017 thông qua việc xếp hạng các Bộ, ngành, địa phương.

Đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển truyền thông (IPS) thuộc Hội Truyền thông số Việt Nam cho biết, với quan điểm chính quyền điện tử là cầu nối giữa chính quyền với người dân và doanh nghiệp, Báo cáo đánh giá và xếp hạng phát triển Chính phủ điện tử Việt Nam 2017 tập trung vào yếu tố cung cấp dịch vụ công trực tuyến đến người dân; tập trung đi sâu vào phân tích chỉ số thể hiện kết quả của quá trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến – số lượng hồ sơ trực tuyến được giải quyết, đặc biệt là ở hạng mục các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo đó, ở hạng mục xếp hạng các Bộ, cơ quan ngang Bộ, việc cung cấp dịch vụ công chỉ ở mức trung bình với tỷ lệ dịch vụ có hồ sơ trực tuyến là 46,06%. Trong đó, Bộ Tài chính đi đầu với hơn 20 triệu hồ sơ được giải quyết trực tuyến.

Với hạng mục các cơ quan thuộc Chính phủ, BHXH Việt Nam là đơn vị đi đầu trong việc ứng dụng CNTT để phát triển Chính phủ điện tử.

Với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Huế là đơn vị đi đầu trong việc triển khai Chính phủ điện tử năm 2017. Tiếp sau đó là Đà Nẵng, Lâm Đồng, Quảng Ninh và TP.HCM. Hà Nội được xếp ở vị trí thứ 12 trong hạng mục này.

Bên cạnh đó, việc cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại các tỉnh trong năm 2017 còn chưa cao, đặc biệt là có sự chênh lệch, không đồng đều giữa các tỉnh trong việc phát triển Chính phủ điện tử. Cùng đó, số lượng dịch vụ công  trực tuyến mức độ 3 và 4 hoàn toàn không phản ánh đúng thực trạng phát triển Chính phủ điện tử tại các tỉnh. Số lượng dịch vụ có phát sinh hồ sơ trực tuyến năm 2017 tại các tỉnh chỉ chiếm 11,54% tổng số dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4. Điều này dẫn đến việc số lượng hồ sơ giải quyết trực tuyến tại một số tỉnh còn rất thấp so với số lượng dịch vụ công trực tuyến mức 3, 4 của tỉnh.

 

Có thể bạn quan tâm

Theo Microsoft, có đến 88% lao động tri thức ở Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở nơi làm việc. AI được cho là giúp người lao động tiết kiệm thời gian, tăng khả năng sáng tạo và tập trung vào các nhiệm vụ chính.