Chiều 6/8, tại Hà Nội, Cơ quan Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Hàn Quốc tại Hà Nội (KOTRA HANOI) thuộc Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam tổ chức Hội nghị hợp tác ngành bán dẫn Việt Nam-Hàn Quốc.
Sự kiện thu hút sự quan tâm tham dự của nhiều doanh nghiệp công nghệ cao Việt Nam, Hàn Quốc.
Tại Hội nghị, các chuyên gia, doanh nghiệp công nghệ cao hai nước đã dành thời gian chia sẻ về tình hình ngành công nghiệp bán dẫn thế giới, khu vực cũng như những kinh nghiệm, cơ hội để mở rộng mạng lưới hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Choi Young Sam khẳng định Hội nghị hợp tác Việt Nam-Hàn Quốc trong ngành bán dẫn là một sự kiện có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Sự kiện này tái khẳng định mối quan hệ hợp tác kinh tế bền vững giữa Việt Nam và Hàn Quốc.
Thời gian qua, hai quốc gia đã đạt được những thành tựu phát triển dựa trên quan hệ hợp tác kinh tế hiệu quả, hài hòa lợi ích cho hai bên không chỉ trong các lĩnh vực về thương mại, đầu tư, kinh tế mà còn trên những lĩnh vực, ngành nghề khác, qua đó củng cố và thắt chặt hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai bên.
Với những thành tựu đã đạt được, nối tiếp những kết quả quả đạt được trong các cuộc hội đàm cấp cao, đặc biệt với chuyến thăm chính thức Hàn Quốc của Thủ tướng Phạm Minh Chính vào tháng Bảy vừa qua, hai bên đã không chỉ dừng lại việc thảo luận phương hướng hợp tác kinh tế trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc, mà còn chia sẻ và thống nhất với các phương án hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao như ngành bán dẫn, chuẩn bị sẵn sàng cho những đột phá mới trong quan hệ hợp tác song phương Việt Nam-Hàn Quốc.
Đại sứ Choi Young Sam tin tưởng thông qua Hội nghị về ngành bán dẫn này, hợp tác song phương Việt Nam-Hàn Quốc sẽ không chỉ ghi dấu ở những lĩnh vực sản xuất truyền thống mà có thể đưa ra những phương án chi tiết hướng tới hợp tác song phương trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ cao.
Đại sứ đề nghị các đại biểu tại Hội nghị có những chia sẻ, đóng góp vào quá trình xây dựng và phát triển ngành công nghiệp bán dẫn của Việt Nam, đã và đang được Chính phủ Việt Nam thể hiện ý chí rất mạnh mẽ và tích cực trong việc xây dựng các đề án bồi dưỡng nhân lực cũng như triển khai các phương án phát triển ngành công nghiệp bán dẫn.
Đại sứ Hàn Quốc Choi Young Sam khẳng định Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam và KOTRA cũng như tất cả cơ quan, tổ chức của Hàn Quốc sẽ luôn nỗ lực và tích cực thực hiện vai trò của mình để góp phần thúc đẩy quan hệ hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn giữa hai quốc gia.
Tại Hội nghị, ông Võ Xuân Hoài, Phó Giám đốc Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho hay hiện nay, tại Việt Nam có hơn 40 công ty về thiết kế chip cũng như gần 15 công ty tham gia đóng gói, kiểm thử và sản xuất thiết bị liên quan đến bán dẫn. Trong số này, có rất nhiều doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc như: Samsung, Hana Micron, Amkor Technology...
Để tạo môi trường, điều kiện thông thoáng cho ngành công nghiệp bán dẫn ở Việt Nam phát triển, Nhà nước Việt Nam đã thể hiện sự quyết tâm chính trị lớn trong việc phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao này.
Trong tất cả nghị quyết của Đảng, Quốc hội cũng như của Chính phủ, ngành công nghiệp bán dẫn được coi là một trong những lĩnh vực trọng tâm để phát triển kinh tế-xã hội thời gian tới. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ủy ban Quốc gia để chỉ đạo phát triển về ngành công nghiệp bán dẫn do Thủ tướng trực tiếp là Chủ tịch Ủy ban chỉ đạo.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã trình Thủ tướng Chính phủ xem xét Chiến lược quốc gia về phát triển ngành công nghiệp bán dẫn cũng như xây dựng Đề án phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam hiện có một quan hệ tốt đẹp với các đối tác quốc tế, đặc biệt là với Hàn Quốc, Hoa Kỳ trong ngành công nghiệp bán dẫn.
Việt Nam cũng đã thành lập Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC) và nhiều khu công nghệ thông tin tập trung đang hoạt động, kỳ vọng là hạt nhân thúc đẩy đổi mới, sáng tạo và phát triển ngành bán dẫn.
Nhiều doanh nghiệp công nghệ thông tin đang có định hướng phát triển trong lĩnh vực này có thể phối hợp, hỗ trợ trong công tác đào tạo nguồn nhân lực cũng như sử dụng chính nguồn nhân lực của những doanh nghiệp này.
Theo ông Võ Xuân Hoài, tới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định về các cơ chế đặc thù cho Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC); trong đó có cơ chế dành cho các doanh nghiệp bán dẫn khi tham gia phát triển tại Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia.
Bên cạnh thể chế, cơ chế, chính sách đặc thù, Việt Nam cũng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cho ngành công nghiệp bán dẫn. Thời gian vừa qua, Việt Nam đã và đang tập trung phát triển hệ thống đường cao tốc trên cả nước, tăng cường hệ thống truyền tải điện Bắc-Nam để đảm bảo ngăn ngừa những rủi ro về điện khi tham gia quá trình sản xuất, đóng gói trong ngành công nghiệp bán dẫn; hoàn thiện hệ thống logistics cảng biển, sân bay, tập trung đầu tư vào 3 khu công nghệ cao Hòa Lạc, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh...
Thông tin về tình hình và xu hướng phát triển của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, hai chuyên gia về tư vấn phát triển công nghiệp bán dẫn, ông Il-Dong Kwon, Tổng Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn The Boston Consulting Group - chi nhánh của Tập đoàn BCG tại Việt Nam và ông Changwook Kim, Giám đốc điều hành The Boston Consulting Group Văn phòng Seoul nhận định Việt Nam có vị trí rất thuận lợi để vừa có thể xuất khẩu cũng như tiếp nhận các linh kiện công nghệ cao; trong đó có công nghiệp bán dẫn và có cơ hội trở thành một trong các mắt xích quan trọng trong chuỗi cung ứng của công nghiệp bán dẫn toàn cầu.
Theo hai chuyên gia trên, hiện, ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu đang chuyển dịch theo xu hướng "hình cánh bướm," thay vì tập trung ở một vài quốc gia/vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), nhiều quốc gia đã tham gia cuộc đua với tham vọng trở thành trung tâm sản xuất chất bán dẫn toàn cầu.
Việt Nam có thể hưởng lợi trong xu hướng này nếu xác định đúng trọng tâm, trọng điểm đầu tư phát triển ngành bán dẫn.
Hai chuyên gia gợi ý Việt Nam có thể tham gia công đoạn thiết kế vi mạch hoặc phát triển chip bán dẫn cho ôtô thông minh, chip nằm trong phân khúc công nghệ tầm trung, mảng đóng gói bán dẫn.