Ông Kim Andreasson, tư vấn chính phủ số của Ngân hàng Thế giới, đã thông tin về kết quả đánh giá mức độ sẵn sàng về chính phủ số trên bảy lĩnh vực gồm: lãnh đạo; lấy người dùng làm trung tâm; thay đổi quy trình công việc; năng lực, tập quán văn hóa và kỹ năng; cơ sở hạ tầng dùng chung; sử dụng dữ liệu để hoạch định và thực thi chính sách; an ninh mạng, quyền riêng tư và khả năng phục hồi.
Theo đó, VN có thế mạnh là có sự ủng hộ mạnh mẽ của Thủ tướng, có định hướng phát triển theo cách mạng 4.0 và phát triển số, có một số dịch vụ công trực tuyến, hệ thống theo dõi và báo cáo của chính phủ về các dịch vụ công trực tuyến, cơ chế phản hồi bắt buộc đối với dịch vụ chính phủ điện tử, đã ứng dụng điện toán đám mây ở một số cơ quan bộ…
Tuy nhiên, VN cũng đối mặt với nhiều thách thức. Đáng chú ý là thiếu sự phối hợp giữa các cơ quan đồng cấp (hiện chỉ có sự ủng hộ từ cấp cao), các dịch vụ chính phủ điện tử hiện tại chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế, thiếu sự chia sẻ dữ liệu giữa các cơ quan, thiếu sự chuẩn hóa trong định dạng và cách thức tương tác…
Tương tự, đánh giá mức độ sẵn sàng về dữ liệu mở trên tám lĩnh vực cũng cho thấy VN hiện đã có được nền tảng vững chắc để phát triển sáng kiến dữ liệu mở nhờ có tầm nhìn rõ ràng của lãnh đạo cấp cao, dữ liệu sẵn có của các bộ, ngành và sự đầu tư của Chính phủ cho các cơ sở dữ liệu quốc gia và hệ thống, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin…
Trong khi đó, ba thách thức lớn nhất là sự thiếu vắng khung pháp lý cho dữ liệu mở, năng lực chuyên môn của khu vực công, sự quan tâm chưa đồng đều của các cấp lãnh đạo, sự phối hợp giữa các bộ, ngành trung ương và chính quyền địa phương các cấp.