Việt Nam trong top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng e-Learning lớn nhất thế giới

Việt Nam trong top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng e-Learning lớn nhất thế giới
Tạp chí Nhịp sống số - Đó là nhận định được ông Vũ Hoàng Liên - Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam - đưa ra tại Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm học đường 4.0, diễn ra ngày 21/11 tại Hà Nội.

Diễn đàn Giáo dục và Triển lãm học đường 4.0 (EDU4.0) là sáng kiến của BHub Group, phối hợp tổ chức cùng Hiệp hội các Trường Đại học, Cao đẳng Việt Nam, Hiệp hội Internet Việt Nam (VIA), dưới sự bảo trợ bởi Bộ Thông tin và Truyền thông và sự tham gia của Bộ Giáo dục và Đào tạo. EDU4.0 bao gồm các hoạt động: Hội nghị, Tọa đàm, Triển lãm, Sân khấu mở, Kết nối kinh doanh. 

Là lần đầu tiên được tổ chức, EDU4.0 có chủ đề “Phát triển Giáo dục 4.0 phù hợp thực tiễn Việt Nam”, thu hút sự tham gia của hơn 500 đại biểu từ hơn 30 tỉnh, thành cả nước cùng đại diện các tổ chức quốc tế đang làm việc tại Việt Nam và hơn 300 lượt khách tham dự online. 

Tại Diễn đàn, PGS., TS. Trần Xuân Nhĩ - nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT, Phó Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam - nhận định: "Đại dịch Covid-19 biến đổi xã hội của chúng ta sang trạng thái bình thường mới, đồng thời nó cũng làm cho việc đào tạo từ xa và trực tuyến qua Internet trở thành chuẩn mực mới, góp phần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong giáo dục”.

Theo đó, tại Việt Nam, 2 đợt dịch Covid-19 bùng phát vào tháng 4 và tháng 9 gây tác động xấu tới các lĩnh vực của đời sống xã hội. Bộ GD&ĐT đã có nhiều văn bản chỉ đạo với phương châm “Tạm ngừng đến trường nhưng không dừng việc học” bằng cách đẩy mạnh việc dạy và học từ xa, cả trên trực tuyến và qua truyền hình thay cho hình thức dạy và học theo truyền thống. Trong giai đoạn này, nhiều cơ sở giáo dục, đặc biệt là các cơ sở giáo dục đại học, với sự hỗ trợ của các công cụ CNTT-TT đã nhanh chóng chuyển đổi sang đào tạo trực tuyến và/hoặc kết hợp đào tạo trực tuyến với mặt đối mặt. 

Ngày 3/6/2020, theo đề nghị của Bộ TT&TT, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 749 phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, xác định chuyển đổi số trong giáo dục là một trong tám lĩnh vực ưu tiên. 

Chia sẻ những thông tin này, ông Nhĩ khẳng định: Chuyển đổi số trong giáo dục thời gian tới chắc chắn sẽ gắn liền với giáo dục mở - một chủ trương đã được nêu rõ trong Nghị quyết trung ương số 29/NQ-TW năm 2013 và trong Luật Giáo dục của Việt Nam năm 2019, khẳng định hệ thống giáo dục của Việt Nam là hệ thống giáo dục mở. Điều này cũng phù hợp với khuyến cáo tài nguyên giáo dục mở của UNESCO mà 193 quốc gia đã phê chuẩn ngày 25/11/2019, khẳng định xu thế không thể đảo ngược của giáo dục mở và nền tảng của nó là tài nguyên giáo dục mở.

Đồng tình với quan điểm này, ông Vũ Hoàng Liên -  Chủ tịch VIA - cũng bổ sung: "Việt Nam là điểm sáng trong phát triển công nghệ giáo dục 4.0. Cả chính sách, giải pháp công nghệ cũng như người dùng đều đã sẵn sàng cho việc đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số ngành giáo dục, phát triển thị trường giáo dục kỹ thuật số Việt Nam..."

Ông Vũ Hoàng Liên -  Chủ tịch VIA 

Dẫn số liệu của Ken Research và Ambient, ông Vũ Hoàng Liên cho biết: thị trường Edtech của Việt Nam có thể đạt giá trị 3 tỉ USD vào năm 2023; và Việt Nam hiện nằm top 10 thị trường có tốc độ tăng trưởng e-learning lớn nhất thế giới với tỷ lệ tăng trưởng 44,3% trong năm 2018. Với tiềm năng lớn của giáo dục trực tuyến, tại Việt Nam hiện có hơn 100 startup khai thác tiềm năng của thị trường này và có trên 2 triệu người đang tham gia nhiều chương trình học qua mạng. Trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Việt Nam đã có gần 80% học sinh học trực tuyến, xếp thứ 17/200 quốc gia và vùng lãnh thổ....

Không những thế, Việt Nam là quốc gia có chỉ số kết nối di động cao: 55% người Việt sở hữu điện thoại thông minh và theo dự báo, đến năm 2020 cứ 10 người Việt sẽ có 8 người dùng điện thoại di động (Google APAC) và 46% người sở hữu máy tính cá nhân.

Cùng với những chỉ số này, mức chi tiêu trung bình cho giáo dục hiện nay là 40% tổng thu nhập, điều đó cho thấy người Việt Nam chắc chắn sẽ còn tiếp tục đầu tư vào các chương trình giáo dục nhiều hơn nữa trong tương lai.

Bà Trang Bùi, Sáng lập Sự kiện EDU4.0 kiêm Tổng Giám đốc BHub Group chia sẻ: “Chúng tôi tin rằng, tiền đề của Giáo dục thông minh là khả năng tiếp cận không giới hạn của người học đối với Giáo dục. EDU4.0 đã tạo thêm cơ hội để các cơ sở giáo dục và các đơn vị cung cấp giải pháp, nền tảng công nghệ giáo dục cùng kết nối, chia sẻ các thông tin về mô hình Giáo dục 4.0, về lộ trình phát triển, mức độ đầu tư và cả những công nghệ phục vụ việc hiện thực hóa Giáo dục 4.0. Từ những thông tin đó chúng ta có thể tham mưu cho các cơ quan quản lý nhà nước xây dựng một lộ trình phát triển Giáo dục khoa học, hiện đại, giúp cho các cơ sở giáo dục có định hướng đầu tư một cách rõ ràng, hiệu quả, và giúp cho các công ty công nghệ Việt Nam có thể tiếp cận, đưa những công nghệ Giáo dục 4.0 “make in Vietnam” và hiện thực đời sống bên cạnh việc học hỏi những tinh hoa công nghệ quốc tế. Đó là mong muốn lớn nhất và cũng là mục tiêu duy nhất mà những đơn vị tổ chức sự kiện này cùng hướng tới”. 

Đề cập đến nhiều chủ đề “nóng” trong lĩnh vực giáo dục và xu hướng phát triển công nghệ phục vụ cho giáo dục, EDU4.0 có các báo cáo chính như: "Chuyển đổi số - Điều kiện tất yếu để xây dựng trường học thông minh trong thời đại 4.0" (PGS. TS. Thái Bá Cần – Phó Tổng Giám đốc tập Đoàn Giáo dục Nguyễn Hoàng); "Giữ an toàn. Luôn kết nối. Các trường Đại học và Cao đẳng cần gì tiếp theo?" (Ông Phạm Vinh Khương – Giám đốc Quốc gia Aruba Việt Nam )... 

Bên cạnh gian hàng của các DN CNTT hàng đầu tại Việt Nam và Quốc tế, Đoàn doanh nghiệp Hàn Quốc do KICC (Trung tâm hợp tác CNTT Hàn Quốc) dẫn đầu đã tham gia triển lãm các sản phẩm giáo dục trên nền tảng số. Trong cả ngày diễn ra sự kiện, đã có hơn 120 khách tham dự truy cập và gặp gỡ đối tác thông qua ứng dụng B2B được cung cấp bởi Ban tổ chức.

Quan khách giao lưu cùng Trí Nhân - Robot trí tuệ nhân tạo thế hệ mới 

Bên lề Sự kiện, hoạt động gặp gỡ giao lưu cùng Trí Nhân - Robot trí tuệ nhân tạo thế hệ mới đã thu hút sự quan tâm, chú ý của khách tham dự với câu chuyện “Tôi, robot. Tôi, con người”. Theo Open Classroom – đội ngũ phát triển và hoàn thiện Trí nhân, robot này được sinh ra với sứ mệnh phục vụ mục đích giáo dục với mong ước robot có thể làm bạn và cùng học tập với con người. 

Phần hội thảo chuyên đề với các nội dung định hướng mới về giáo dục hiện nay: Chuyển đổi số - điều kiện tất yếu để xây dựng trường học thông minh trong thời đại 4.0; Giáo dục 4.0: Cơ hội và thách thức cho giáo dục bậc cao; Hệ sinh thái Giáo dục Việt Nam Edu 4.0; Giải pháp 4.0 toàn diện cho chuyển đổi số Giáo dục tại Việt Nam. 

Có thể bạn quan tâm