Việt Nam vào Top 10 thị trường mới nổi về Trung tâm Dữ liệu

Việt Nam vào Top 10 thị trường mới nổi về Trung tâm Dữ liệu
Tạp chí Nhịp sống số - “Việt Nam là một trong 10 thị trường mới nổi trên Thị trường Trung tâm Dữ liệu Toàn cầu, nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng, năng lực cung cấp dịch vụ tiêu chuẩn quốc tế, năng lực tổ chức, doanh nghiệp lớn”, báo cáo của Research And Markets cho biết.

Theo báo cáo mới nhất từ Research And Markets, Thị trường dịch vụ Trung tâm Dữ liệu của Việt Nam đạt khoảng 858 triệu đô la vào năm 2020, và được dự đoán sẽ có mức tăng trưởng kép hàng năm gần 15% cho đến năm 2026.

Nguyên nhân được cho là nhờ sự thúc đẩy bởi các dự án và sáng kiến của Chính phủ.

Theo đó, báo cáo nhận định: Bảo vệ dữ liệu là vấn đề được toàn cầu quan tâm, cũng đang trở thành một vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự của chính phủ Việt Nam. Các yêu cầu về bản địa hóa dữ liệu theo Luật An ninh mạng, cộng với nhu cầu về tốc độ xử lý tốt hơn để hỗ trợ người dùng Việt Nam là những động lực chính, được dự đoán sẽ tăng đáng kể nhu cầu về Trung tâm Dữ liệu tại Việt Nam.

Bên cạnh đó, xu hướng số hóa của chính phủ Việt Nam càng thúc đẩy nhiều hơn nữa nhu cầu về các Trung tâm Dữ liệu trên cả nước.

Thị trường Trung tâm Dữ liệu Việt Nam cũng được thúc đẩy bởi sự chuyển dịch dữ liệu của doanh nghiệp sang nền tảng đám mây. Điều này dẫn đến sự gia tăng trong việc áp dụng các giải pháp lưu trữ dữ liệu, do đó sẽ ảnh hưởng tích cực đến sự tăng trưởng của thị trường.

Ngoài ra, việc áp dụng ngày càng nhiều các giải pháp dữ liệu lớn, Internet vạn vật (IoT) và các giải pháp dựa trên đám mây... dự kiến sẽ thúc đẩy tăng trưởng thị trường đến năm 2026. “Việc tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu hiệu quả và các tiến bộ công nghệ cũng được kỳ vọng sẽ tạo ra cơ hội sinh lợi cho sự phát triển của thị trường cho đến năm 2026”, báo cáo ResearchAndMarkets dự đoán.

Thị trường Trung tâm Dữ liệu Việt Nam được phân khúc dựa trên giải pháp, loại hình, người dùng cuối theo ngành công nghiệp và khu vực.

Về giải pháp, thị trường có thể được chia theo cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng chung, cơ sở hạ tầng điện, cơ sở hạ tầng cơ khí và các cơ sở hạ tầng khác.

Theo báo cáo, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin đã thống trị thị trường vào năm 2020, chiếm 65,62% thị phần do nhu cầu gia tăng của các dự án cơ sở hạ tầng kỹ thuật số trong các lĩnh vực bao gồm dịch vụ ngân hàng / tài chính (fintech), viễn thông, năng lượng, nông nghiệp thông minh và chính phủ.

Theo xu hướng toàn cầu về công nghệ đám mây, ngày càng có nhiều công ty Việt Nam quan tâm và yêu cầu sử dụng dịch vụ đám mây.

Vì vậy, hãng nghiên cứu và báo cáo đến từ Dublin, Ireland cho rằng, sẽ có nhiều cơ hội cho các nhà cung cấp dịch vụ trong các dịch vụ công nghệ thông tin bao gồm đào tạo kỹ thuật và tư vấn, quản lý, ứng dụng phần mềm / doanh nghiệp (hệ thống ERP và CRM, phần mềm tài chính và kế toán), trung tâm dữ liệu và lưu trữ dữ liệu cũng như các dịch vụ web...

Dựa trên loại hình, thị trường có thể được phân chia thành tổ chức doanh nghiệp và dịch vụ lưu trữ web. Theo đó, phân khúc tổ chức doanh nghiệp thống trị thị trường vào năm 2020 với 61,56% thị phần.

“Xu hướng này dự kiến sẽ tiếp tục trong suốt giai đoạn 2021-2026 do nhu cầu ngày càng tăng về các giải pháp lưu trữ dữ liệu giữa các doanh nghiệp và tổ chức”, báo cáo của Research And Markets viết. Hơn nữa, sự gia tăng khối lượng dữ liệu được tạo ra hàng ngày giữa các doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ thúc đẩy sự tăng trưởng của phân khúc này.

Xét về người dùng cuối theo ngành công nghiệp, thị trường có thể được chia thành công nghệ thông tin và viễn thông, Chính phủ, ngành ngân hàng, dịch vụ tài chính và bảo hiểm, chăm sóc sức khỏe và các ngành khác. 

Theo báo cáo, một số công ty lớn trong Thị trường Trung tâm Dữ liệu Việt Nam bao gồm Tập đoàn FPT, Viettel-CHT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, KDDI Việt Nam, Hitachi Asia (Việt Nam), Hewlett Packard, SAP Việt Nam, IBM Việt Nam, Microsoft Việt Nam và Amazon Web Services Việt Nam.

Các công ty này đang phát triển các công nghệ tiên tiến và tung ra các sản phẩm và dịch vụ mới để duy trì sức cạnh tranh trên thị trường. Các chiến lược cạnh tranh khác bao gồm sáp nhập, mua lại và phát triển sản phẩm và dịch vụ mới.

Có thể bạn quan tâm