Vietnam ICT Summit 2016 khai mạc trọng thể tại Hà Nội

Vietnam ICT Summit 2016 khai mạc trọng thể tại Hà Nội
Tạp chí Nhịp sống số - Ngày 24/9/2016 – Hôm nay, Diễn đàn Cấp cao Công nghệ thông tin – Truyền thông Việt Nam 2016 (Vietnam ICT Summit) đã chính thức khai mạc trọng thể tại Hà Nội. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc là khách mời đặc biệt của Diễn đàn và có bài phát biểu quan trọng trong phiên khai mạc.

Tham dự Diễn đàn, có lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Quốc hội, lãnh đạo các Bộ Thông tin và Truyền thông, Giáo dục & Đào tạo, Khoa học và Công nghệ, Quốc phòng, Ngân hàng Nhà nước, UBND thành phố Hà Nội, Tp. Hồ Chí Minh, nhiều lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, Tham tán thương mại tại Việt Nam của 14 quốc gia, nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới cùng trên 500 đại biểu là lãnh đạo cấp cao của các cơ quan quản lý, sở, ban, ngành, các doanh nghiệp hàng đầu về CNTT, các tập đoàn, doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin, các cơ quan thông tấn, báo chí tham dự Diễn đàn.

VINASA, ứng dụng CNTT, Trương Gia Bình, Bộ TT&TT, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Vietnam ICT summit 2016, Vietnam ICT Summit, ứng dụng công nghệ thông tin,

Trải qua 5 kỳ tổ chức từ năm 2011, đến nay, Vietnam ICT Summit đã trở thành một diễn đàn chính sách, công nghệ và hợp tác kinh doanh có uy tín cao của ngành CNTT Việt Nam, cả ở trong nước và quốc tế. Diễn đàn đã góp phần quan trọng nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vai trò đặc biệt của CNTT như là "hạ tầng của hạ tầng", công cụ tạo lập phương thức phát triển mới; đồng thời đóng góp thiết thực xây dựng nhiều chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước về thúc đẩy ứng dụng CNTT nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia trong mọi ngành, lĩnh vực để hiện đại hóa và phát triển bền vững đất nước.

Phát biểu tại Diễn đàn, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng đã biểu dương VINASA cùng Bộ Thông tin và Truyền thông về sáng kiến tổ chức Diễn đàn Cấp cao CNTT – TT Việt Nam đồng thời chỉ đạo cần phải hành động nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, hiệu quả hơn nữa; tạo cuộc cách mạng trong ứng dụng công nghệ thông tin, tạo phương thức phát triển mới, nâng cao toàn diện năng lực cạnh tranh quốc gia với 06 nhiệm vụ và giải pháp bao gồm: đẩy mạnh ứng dụng CNTT, công nghệ cao và các công nghệ số trong mọi lĩnh vực kinh tế xã hội; thúc đẩy mạnh mẽ đổi mới sáng tạo KHCN trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội; thúc đẩy khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo, đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực số, biến lợi thế “dân số vàng” thành lợi thế về năng lực số trong hội nhập và phân công lao động quốc tế; tăng cường ứng dụng CNTT trong đổi mới thể chế, cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đầu tư hiện đại hóa hệ thống hạ tầng thông tin quốc gia, bảo đảm đồng bộ, kết nối liên thông tốc độ cao; từng bước xây dựng và phát triển các thành phố thông minh và toàn bộ hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và toàn xã hội cần nâng cao nhận thức về cuộc cách mạng số.

Bộ Trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn đã nêu bật những thành tựu mà ngành CNTT- TT đã đạt được đồng thời chỉ ra nhiều điểm khó khăn và thách thức trong việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển CNTT tại Việt Nam để tận dụng thời cơ của cuộc Cách mạng Số. Bộ trưởng chia sẻ các giải pháp đề xuất với Chính phủ để giải quyết những thách thức trong đó có: phát triển nguồn nhân lực; thúc đẩy đầu tư hạ tầng và đầu tư vào ngành CNTT; thúc đẩy ứng dụng CNTT, công nghệ cao; đảm bảo an ninh thông tin; và kêu gọi chung tay của cộng đồng, cá nhân, doanh nghiệp.

Tại Diễn đàn, đại diện của IBM, Microsoft, và Amazon – những tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới cũng đã chia sẻ những xu hướng chuyển dịch của ngành CNTT thế giới và  giải pháp công nghệ tiên tiến nhất cho chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Sau phiên khai mạc, Diễn đàn đã lần lượt thảo luận theo 4 tọa đàm chuyên sâu nhằm tập trung trao đổi, thảo luận về xu thế, chiến lược và các giải pháp để Việt Nam có thể tận dụng tốt cơ hội từ Cách mạng Số:

  • Toạ đàm 1: Cách mạng Số và Quốc gia khởi nghiệp
  • Toạ đàm 2: Cách mạng Số và Phát triển hạ tầng CNTT, đảm bảo an toàn thông tin        
  •  Toạ đàm 3: Phát triển nhân lực trong cách mạng công nghiệp lần thứ 4
  • Toạ đàm 4: IoT và Smartcity

Các phiên tọa đàm có sự tham gia của các lãnh đạo cấp cao các Bộ, Ngành, Cơ quan quản lý và chuyên gia đầu ngành như: Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ; Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Đức Chung; Thứ trưởng Bộ KH & CN Trần Văn Tùng, GS TSKH Trần Văn Nhung, Tổng thư ký Hội đông Chức danh Giáo sư Nhà nước; TS. Mai Liêm Trực, nguyên Thứ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông; TS. Võ Trí Thành, Nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương; PGS.TS. Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA; cùng đại diễn của các chuyên gia CNTT, doanh nghiệp công nghệ lớn như Viettel, FPT, IBM, Microsoft, Amazon, CMC, MISA...

PGS.TS Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA chia sẻ: “Cách mạng Số đang và sẽ tạo ra những khả năng hoàn toàn mới tác động và làm biến đổi toàn diện, sâu sắc mọi mặt của đời sống con người, mọi hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội trên thế giới. Mọi tổ chức, doanh nghiệp sẽ trở thành tổ chức số, doanh nghiệp số; mọi nhà lãnh đạo trở thành lãnh đạo số, ngân sách trở thành ngân sách số, mỗi công dân đều có thể trở thành một doanh nghiệp số. Có như vậy, Việt Nam – một nước đi sau mới có thể bắt kịp chuyến tàu siêu tốc của cuộc cách mạng số”

Theo kế hoạch, vào 17h15 chiều cùng ngày 24/9, sau khi kết thúc các phiên tọa đàm, ban tổ chức diễn đàn sẽ tổng hợp kết quả của các phiên tọa đàm và công bố thông điệp chung của Diễn đàn năm nay. Chương trình sẽ có sự tham dự của các cơ quan bảo trợ, và các chủ trì tọa đàm chuyên đề.

Có thể bạn quan tâm