Vietnam Report công bố Top 10 Công ty công nghệ uy tín năm 2022

Vietnam Report công bố Top 10 Công ty công nghệ uy tín năm 2022
Tạp chí Nhịp sống số - Hôm nay (5/7), tại Hà Nội, Công ty Cổ phần Báo cáo Đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) chính thức công bố Top 10 Công ty công nghệ uy tín năm 2022.

Bảng xếp hạng được thực hiện căn cứ theo kết quả đánh giá năng lực tài chính doanh nghiệp, uy tín doanh nghiệp trên truyền thông và khảo sát ý kiến từ một số đối tượng nghiên cứu cùng các bên liên quan thực hiện trong tháng 6/2022.

Top 10 Công ty công nghệ uy tín năm 2022 được Vietnam Report công bố theo 2 danh sách: Top 10 Công ty CNTT - viễn thông uy tín năm 2022 và Top 10 Công ty công nghệ cung cấp dịch vụ, giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống uy tín năm 2022.

Cụ thể, Top 10 Công ty CNTT - viễn thông uy tín năm 2022 bao gồm: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty Cổ phần FPT-Tập đoàn FPT, Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam, Tổng Công ty Dịch vụ Viễn Thông, Tổng Công ty Viễn thông Mobifone, Công ty Cổ phần Tập đoàn Công nghệ CMC, Công ty CP Hanel, Công ty Cổ phần Công nghệ và Truyền thông Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thông tin Điện tử Hàng Hải Việt Nam, Công ty Cổ phần Viễn thông Hà Nội.

Cùng đó, Top 10 Công ty công nghệ cung cấp dịch vụ, giải pháp phần mềm và tích hợp hệ thống uy tín năm 2022 cũng được xướng danh: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Phần mềm FPT Công ty CP Misa, Công ty Hệ thống Thông tin FPT, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tổng Công ty Công nghệ và Giải pháp CMC, Công ty Cổ phần Công nghệ Công nghiệp Bưu chính Viễn thông, Công ty Cổ phần Viễn thông-Tin học Bưu điện, Công ty Cổ phần Công nghệ-Viễn thông Elcom, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Giải pháp Phần mềm Tường Minh, Công ty Cổ phần Đầu tư Thương mại và Phát triển Công nghệ FSI, Công ty Cổ phần Dịch vụ Công nghệ Tin học HPT.

Theo ông Vũ Đăng Vinh, Tổng giám đốc Vietnam Report, bức tranh kinh tế trong những tháng đầu năm 2022 đã có gam màu sáng. Đại dịch COVID-19 về cơ bản được kiểm soát và hoạt động sản xuất kinh doanh của đa số doanh nghiệp đã trở lại trạng thái bình thường.

Báo cáo của Tổng cục Thống kê mới đây đã ghi nhận rằng GDP quý 2 năm 2022 ước tính tăng 7,72% so với cùng kỳ năm trước, cao nhất trong giai đoạn 10 năm trở lại đây. GDP 6 tháng đầu năm 2022 tăng 6,42%, cao hơn tốc độ tăng 5,74% của 6 tháng đầu năm 2021 và cải thiện đáng kể so với tốc độ tăng 2,04% của 6 tháng đầu năm 2020. 

Trong bức tranh chung đó, ngành CNTT tiếp tục duy trì được đà tăng trưởng. Năm 2021 tổng doanh thu ngành CNTT và viễn thông đạt 136,153 tỷ USD, tăng 9% so với năm 2020. Số lượng doanh nghiệp công nghệ số tại Việt Nam trong năm 2021 đạt 64.000 doanh nghiệp, tăng 9,5% so với năm 2020. Về doanh thu công nghệ thông tin viễn thông trong 5 tháng năm 2022 ước đạt 57 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2021. 

Đặc biệt, đại diện Viettel cho biết, với kết quả này, Tập đoàn đã có 5 năm liền giữ vị trí số 1 tại Bảng Xếp hạng. Với hơn 40.000 lao động, Viettel có doanh thu đạt 274 nghìn tỷ trong năm 2021, tăng trưởng 3,3%, lợi nhuận đạt hơn 40 nghìn tỷ, nộp ngân sách gần 32 nghìn tỷ.

Viettel hiện cũng là doanh nghiệp có hạ tầng số lớn nhất Việt Nam với 175 nghìn km cáp quang; 67 nghìn trạm phát sóng 2G, 3G, 4G; có 5 trung tâm dữ liệu lớn đạt chuẩn quốc tế. Viettel đồng thời giữ vai trò doanh nghiệp tiên phong thiết kế và nghiên cứu sản xuất thành công hệ sinh thái thiết bị mạng 5G.

Đầu năm 2022, Viettel được công ty tư vấn và định giá thương hiệu hàng đầu thế giới Brand Finance định giá 8,758 tỷ USD, tăng 99 bậc so với năm 2021. Theo đó Viettel đã vươn lên thứ 227 và vào Top 250 thương hiệu đắt giá nhất toàn cầu.

Có thể bạn quan tâm