Theo đại diện VHT, với việc hợp tác này, VHT mong muốn thúc đẩy nghiên cứu khoa học công nghệ tại các trường Đại học bằng việc đưa các nghiên cứu, thí nghiệm từ các trường đại học vào thực tế kinh doanh. Hai bên cam kết sẽ cùng giải quyết những vấn đề trong các lĩnh vực chuyên môn như: đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ cũng như các lĩnh vực khác trên nguyên tắc hợp tác song phương, bình đẳng, cùng có lợi.
Theo đó, hai bên sẽ hợp tác chuyên sâu trong lĩnh vực Điện tử và Viễn thông, bao gồm: nghiên cứu và phát triển vi mạch tích hợp 5G, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trẻ, triển khai ứng dụng các công nghệ mới, cũng như chia sẻ kinh nghiệm và chuyên môn thường xuyên theo nhu cầu thực tế của hai bên.
Nhân dịp này, trong bước đầu hiện thực hóa thỏa thuận hợp tác, hai bên đã ký kết một hợp đồng, theo đó, Trường ĐHBK sẽ cung cấp dịch vụ tư vấn, thiết kế bộ thu và bộ phát cho chip 5G sử dụng công nghệ TSMS CMOS 28nm cho VHT trong khoảng thời gian 14 tháng.
Theo ông Nguyễn Vũ Hà, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel – VHT, việc thiết kế và sản xuất chip 5G mang thương hiệu Viettel là một bước đi quan trọng trong hành trình tiến tới làm chủ toàn bộ công nghệ liên quan đến 5G của Viettel. Ngoài ra, Viettel cũng đặt quyết tâm vào lĩnh vực nghiên cứu, thiết kế và sản xuất chip Make in Vietnam. Để thực hiện điều này, ngoài việc hợp tác với các công ty quốc tế để chuyển giao công nghệ, Viettel cũng kết hợp với các chuyên gia trong lĩnh vực sản xuất chip trong và ngoài nước, cùng đội ngũ các nhà khoa học có kiến thức chuyên sâu tại các trường đại học. Hợp tác với các trường đại học còn là cách để Viettel tạo ra một môi trường thực tế, đưa các công trình nghiên cứu khoa học sớm đi vào thực tiễn, đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam.
Ông Nguyễn Trung Kiên, Giám đốc Trung tâm Chip 5G, Tổng công ty Công nghiệp Công nghệ cao Viettel – VHT, cũng cho biết thêm: “Trường ĐHBK là một trong số những trường đại học có đội ngũ nghiên cứu phát triển vi mạch mạnh nhất ở Việt Nam. Nhóm nghiên cứu phát triển vi mạch của trường những năm qua đã đạt được những thành quả đáng chú ý như nghiên cứu thiết kế chế tạo thành công Chip thu truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T2, chip khuếch đại công suất (PA), khuếch đại nhiễu thấp (LNA) băng tần mmWave và một số những công trình nghiên cứu khác liên quan đến vi mạch. VHT hy vọng xây dựng mối quan hệ hợp tác bền chặt và lâu dài với Trường ĐHBK để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực và hợp tác nghiên cứu phát triển không chỉ vi mạch mà còn những lĩnh vực khác như 5G, IoT, AI.”