Việt Nam có thể tắt sóng 2G.
"Khi 3G đạt mật độ 35 - 40% thì có thể đầu tư 4G hiệu quả. Hiện Việt Nam đã có trên 35% tổng số thuê bao là 3G. Một trong những điều kiện nữa khi triển khai 4G là thiết bị đầu cuối phải rẻ dưới 100 USD để nhiều người có thiết bị sử dụng dịch vụ. Điều kiện này hiện đã sẵn sàng. Vì vậy, Bộ TT&TT nên sớm cấp phép 4G vào đầu năm 2016. 4G sẽ kết thúc thời kỳ doanh thu chính của nhà mạng là "alô", mở ra thời kỳ các ứng dụng smartphone và 5G mở ra thời kỳ của kết nối vạn vật. Việt Nam nên đón cơ hội đó", ông Nguyễn Mạnh Hùng nói.
Một số nước khu vực châu Á cũng lên kế hoạch khai tử 2G vào năm 2017, tập trung triển khai 3G và 4G. Thế nhưng, các mạng di động Việt Nam cho rằng với điều kiện kinh tế của Việt Nam thì chưa thể tính đến điều này vì còn quá nhiều khách hàng chưa có smartphone.
Ông Đỗ Minh Phương, Phó Tổng giám đốc Viettel chia sẻ, về cơ bản các mạng di động đã khấu hao xong mạng 2G. Hiện giờ các mạng đều sử dụng song song cả 2G và 3G nên khai tử mạng 2G cũng không ảnh hưởng nhiều đến chi phí vận hành của nhà mạng. Tuy nhiên, Việt Nam là nước đông dân và phần lớn vẫn chưa có smartphone, chủ yếu sử dụng 2G. 2G vẫn đem lại giá trị cho các nhà mạng và khách hàng nên chưa tính đến chuyện khai tử 2G ngay được.