Năm 2002, khi doanh thu ngành phần mềm chỉ khoảng 50 triệu USD, với số lượng doanh nghiệp và nhân lực ít ỏi, VINASA được thành lập với 55 hội viên ban đầu với mục đích tăng cường hợp tác, phát triển thị trường, hỗ trợ và bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp trong ngành. Đến nay, ngành phần mềm và dịch vụ CNTT đạt doanh thu khoảng 9 tỷ USD, xuất khẩu trên 3,7 tỷ USD năm 2018. Tổng số nhân lưc toàn ngành đạt gần 300 ngàn người. VINASA hiện có gần 400 doanh nghiệp hội viên, đại diện cho 65% nhân lực và 70% doanh thu toàn ngành với những tên tuổi có vị thế không chỉ ở Việt Nam và trên trường quốc tế như: FPT, CMC, MISA, VNG, TMA, Viettel, VNPT, KMS…
Tập hợp lực lượng cho giai đoạn phát triển đột phá - giai đoạn chuyển đổi số quốc gia với sự ra đời của Liên minh Chuyển đổi số
Từ chỗ chưa được nhận diện, đến nay Việt Nam đang được đánh giá top 5 quốc gia hấp dẫn nhất về cũng cấp dịch vụ xuất khẩu phần mềm, là đối tác lớn thứ 2 của Nhật Bản – 1 trong 3 thị trường có nhu cầu nhập khẩu dịch vụ CNTT lớn nhất thế giới. Góp phần cho dấu ấn này là nỗ lực xây dựng quan hệ quốc tế với các tố chức CNTT của trên 100 nền kinh tế trên thế giới của Hiệp hội. VINASA cũng là đại diện duy nhất của Việt Nam tham gia 3 tổ chức CNTT lớn nhất thế giới và khu vực: Liên minh Dịch vụ CNTT Thế giới (WITSA), Tổ chức Công nghiệp Điện toán Châu Á – Châu Đại Dương (ASOCIO); và Liên minh các tổ chức CNTT Châu Á – Thái Bình Dương (APICTA). Trên dưới 10 đoàn XTTM được VINASA tổ chức hàng năm phục vụ mục tiêu "Go Global" của khoảng 100 lượt doanh nghiệp.
Bộ máy hoạt động của Hiệp hội ngay từ đầu đã được xây dựng theo mô hình chuyên nghiệp tương tự các Hiệp hội quốc tế. Cụ thể, 6 mảng hoạt động với 6 đơn vị trực thuộc được thành lập: Vận động và Tư vấn chính sách (Hội đồng Tư vấn chính sách và Nhóm Think Tank); Hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường (Ban dịch vụ Phát triển doan nghiệp); Thúc đẩy khởi nghiệp công nghệ (VINASA Accelerator); Đào tạo và Phát triển nguồn nhân lực (VINASA Academy); Nghiên cứu và phổ biến công nghệ (Viện KHCN VINASA - VSTI) và Marketing - Truyền thông (Tạp chí Nhịp Sống Số). Theo đánh giá của VCCI, VINASA được xếp vào nhóm các Hiệp hội chuyên ngành hoạt động hiệu quả, vững mạnh nhất Việt Nam. Những nhiệm vụ này, hằng năm được cụ thể hóa thông qua những sự kiện thường niên quan trọng của ngành CNTT Việt Nam như: Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam; Hội nghị thượng đỉnh Thành phố Thông minh; Danh hiệu Sao Khuê ; Bình chọn 50 Doanh nghiệp CNTT hàng đầu Việt Nam và Ngày CNTT Nhật Bản…
Những nỗ lực của VINASA và các doanh nghiệp hội viên được ghi nhận kịp thời với Huân chương Lao động Hạng Ba năm 2010, Huân chương Lao động Hạng Nhì năm 2016, Bằng Khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2007, 2012, cùng nhiều bằng khen của các Bộ, Ngành, tổ chức quốc tế.
Năm 2020 đánh dấu một giai đoạn phát triển mới của Việt Nam và ngành CNTT nói riêng – Giai đoạn chuyển đổi số quốc gia. Đề án Chuyển đối số Quốc gia đã được trình Thủ tướng và dự kiến sẽ đươc ban hành trong Quý II. Trước đó, tại Hội nghị Chiến lược cuối 2018, Ban chấp hành VINASA đã thống nhất nhiệm vụ trong giai đoạn sắp tới 2019 - 2025: Xung kích Chuyển đổi số. Nhiệm vụ ngay lập tức được triển khai. Tháng 8/8/2019, Liên minh Chuyển đối số được thành lập và chính thức ra mắt tại tại Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam. Sự kiện cũng lấy chủ đề: ‘Chuyển đổi số vì một Việt Nam hùng cường”, kêu gọi sự đồng thuận của toàn xã hội nhằm đẩy nhanh tiến trình Chuyển đổi số Quốc gia. Đặc biệt, từ năm 2020, VINASA sẽ tổ chức thêm Ngày Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam DX Days như một hoạt động trọng điểm nhằm trực tiếp đưa các dịch vụ, giải pháp chuyển đối số tiên tiến nhất tới từng ngành, từng lĩnh vực. VINASA đang nỗ lực để tập hợp nguồn lực từ nên móng vững chắc đã được xây dựng và hoàn thiện suốt gần 2 thập kỷ vừa qua, cùng doanh nghiệp CNTT xung kích tạo đột phá tạo thêm một kỳ tích phát triển kinh tế xã hội cho Việt Nam tiếp bước thời kỳ đổi mới.
Kỷ niệm 18 năm thành lập VINASA diễn ra trong một bối cảnh đại dịch Covid đang hoành hành với những tác động tiêu cực lên các nền kinh tế, xã hội trên toàn cầu. Nguy cơ dịch bệnh, giãn cách xã hội… khiến nhu cầu làm việc tại nhà (Work From Home) và chuyển đổi mọi hoạt động của các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế hay chính trị xã hội lên trên nền tảng số, trên mạng internet đều tăng vọt. Ông Lữ Thành Long, Phó Chủ tịch VINASA, khẳng định: “Mặc dù dịch Covid 19 đang diễn ra phức tạp, với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng đang mở ra cơ hội vàng cho chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam và trên thế giới, VINASA và các doanh nghiệp hội viên sẽ nỗ lực hết sức để tận dụng cơ hội, vượt qua các khó khăn thách thức, góp phần tích cực vào công cuộc chống dịch, đảm bảo phát triển kinh tế, xã hội và xây dựng đất nước.”
Chia sẻ nhân dịp kỷ niệm 18 năm thành lập VINASA, Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch VINASA cho biết: “Cá nhân tôi cũng như VINASA mong mỗi doanh nghiệp trong và ngoài ngành nhanh chóng thích ứng để vượt qua khó khăn, chiến thắng các thách thức của đại dịch Covid bằng sức bật nội tại và tiềm lực công nghệ mới, hòa trong xu thế tất yếu của nhân loại, chuyển đổi số một cách tích cực để mang lại những kết quả đột phá. Việt Nam ta có hình ảnh cây tre: xơ xác, oằn mình qua bão giông nhưng sẽ nhanh chóng vươn thẳng ngay khi trời xanh nắng vàng. Tre gắn kết với nhau như thành như lũy để bảo vệ cộng đồng. Tôi kỳ vọng và kêu gọi các hội viên VINASA cũng như các doanh nghiệp CNTT Việt Nam giống như cây tre đó - cùng đoàn kết, liên minh để tổng hợp sức mạnh công nghệ, cùng Việt Nam vững vàng đi lên sau bão COVID-19”.