Tại Hội nghị Đầu tư và Phát triển của thành phố Hà Nội gần đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh cần thúc đẩy khởi nghiệp, phát huy nền tảng CNTT, công nghệ cao trong các ngành
Điều 292 Bộ luật Hình sự 2015 đang gây tâm lý hoang mang, lo lắng trong các doanh nghiệp, đặc biệt là từ cộng đồng khởi nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp CNTT nói chung.
Với vai trò của một tổ chức xã hội nghề nghiệp chuyên ngành, đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp CNTT và cộng đồng khởi nghiệp sáng tạo trong lĩnh vực CNTT, VINASA đã dành thời gian để tập hợp ý kiến doanh nghiệp cũng như nghiêm túc và thận trọng nghiên cứu điều luật này.
Qua quá trình làm việc cùng các doanh nghiệp, ngày 8/8 vừa qua, VINASA đã có bản Kiến nghị chính thức gửi lên Chủ tịch Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về ứng dụng CNTT và các cơ quan hữu quan, bao gồm: Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; Bộ Tư pháp; Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Khoa học và Công nghệ; Bộ Công thương; Bộ Công an, Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao; Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Liên đoàn Luật sư Việt Nam.
Trong bản Kiến nghị này, VINASA bày tỏ các quan điểm chính như sau:
Thứ nhất, Điều 292 hình sự hóa hoạt động kinh doanh trái phép, đồng thời với hình sự hóa hoạt động kinh doanh trên mạng.
Thứ hai, Điều 292 vi phạm quyền tự do kinh doanh được Hiến pháp 2013 qui định, trong đó ghi nhận "quyền tự do kinh doanh là quyền con người và là một trong những quyền cơ bản nhất của công dân" và “Mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm”.
Thứ ba, Điều 292 trái với đường lối, chủ trương phát triển kinh tế được thể hiện trong Hiến pháp 2013, điều 51, khoản 3 là: “Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước”.
Thứ tư, Điều 292 đi ngược lại với quan điểm chủ trương, chính sách, chiến lược của Đảng và Chính phủ về thúc đẩy phát triển, ứng dụng CNTT; ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của không chỉ ngành CNTT mà còn của tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội đất nước.
Thứ năm, Điều 292 không phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển trong thời đại số, nhất là trong bối cảnh nhân loại đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, là xu hướng kết hợp giữa các hệ thống ảo và thực thể, vạn vật kết nối Internet (IoT) và các hệ thống kết nối Internet (IoS).
Thứ sáu, Điều 292 đi ngược lại quan điểm của Đảng và Chính phủ về không hình sự hóa các quan hệ hành chính, kinh tế đã được qui định trong Hiến pháp và được Thủ tướng Chính phủ khẳng định mạnh mẽ tại hội nghị “Doanh nghiệp - Động lực phát triển kinh tế” tổ chức ngày 29/4/2016 vừa qua tại TP Hồ Chí Minh.
Thứ bảy, Điều 292 qui định về hành vi tội phạm chưa phù hợp với quan điểm về tội phạm được qui định tại điều 8 của Bộ luật Hình sự.
Thứ tám, Điều 292 vi phạm nguyên tắc bình đẳng trước pháp luật – một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của pháp luật. Trong đó, bất bình đẳng lớn nhất đồng thời là bất hợp lý nghiêm trọng nhấ của điều 292 là sự bất bình đẳng giữa các loại chủ thể khác nhau cùng thực hiện hành vi phạm tội điều 292. Cụ thể là giữa cá nhân và thương nhân là cá nhân với pháp nhân thương mại.
Thứ chín, Điều 292 có nhiều nội dung qui định bất cập, chưa thống nhất về khái niệm pháp lý với các luật chuyên ngành, dễ gây các cách hiểu và giải thích khác nhau trong quá trình áp dụng, thực thi pháp luật.
Thứ mười, Điều 292 tác động tiêu cực đối với ngành CNTT và nền kinh tế nói chung, chẳng hạn như: không chỉ đặt các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực CNTT, mà còn đặt mọi doanh nghiệp hoạt động trong các ngành nghề kinh doanh có điều kiện vào nguy cơ bị hình sự hoá khi nỗ lực đổi mới sáng tạo trong việc cung cấp điện tử hoá trên mạng các dịch vụ kinh doanh truyền thống.
Đồng thời, còn làm ảnh hưởng xấu đến hình ảnh môi trường kinh doanh và thu hút đầu tư của Việt Nam đặc biệt là trong lĩnh vực dịch vụ CNTT; làm suy giảm năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và cả nền kinh tế so với các quốc gia khác trong khu vực...
Từ những lý do nêu trên, VINASA kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, bộ ngành hữu quan xem xét hủy bỏ điều 292 của Bộ luật Hình sự 2015, đồng thời rà soát kỹ lưỡng Bộ luật Hình sự để loại bỏ, chỉnh sửa những qui định có tính chất hình sự hóa các hoạt động kinh doanh, nhất là các điều như: điều 162 Tội buộc công chức, viên chức thôi việc hoặc sa thải người lao động trái pháp luật; điều 200 tội trốn thuế...
Toàn văn Kiến nghị được đăng tải tại đây.