Visa Inc., công ty dịch vụ tài chính đa quốc gia của Mỹ đã đồng ý mua lại công ty khởi nghiệp công nghệ tài chính Tink với giá 1,8 tỷ euro (2,1 tỷ USD) trong một thỏa thuận nhằm thúc đẩy tham vọng thâm nhập lĩnh vực kỹ thuật số của “gã khổng lồ” thanh toán này.
Thỏa thuận này diễn ra sau khi Visa cố gắng mua lại Plaid, một đối thủ đồng hương của Tink, song đã bị các cơ quan quản lý Mỹ “chặn lại”. Sau đó Plaid đã hoạt động như một công ty độc lập và được các nhà đầu tư định giá lần cuối là 13,4 tỷ USD.
Cả Plaid và Tink đều hoạt động trong một không gian mới được gọi là ngân hàng mở, trong đó kêu gọi bên cho vay cung cấp cho các công ty bên thứ ba quyền truy cập vào dữ liệu ngân hàng của người tiêu dùng. Lĩnh vực ngân hàng mở đã phát triển mạnh ở Vương quốc Anh và Liên minh châu Âu (EU) nhờ các quy định mới.
Trong một thông báo, Al Kelly, Giám đốc điều hành của Visa, cho biết Visa cam kết làm tất cả để thúc đẩy sự đổi mới và trao quyền cho người tiêu dùng để hỗ trợ các mục tiêu về ngân hàng mở của châu Âu.
Với việc kết hợp mạng lưới của Visa và khả năng ngân hàng mở của Tink, Visa mong muốn sẽ mang lại giá trị gia tăng cho người tiêu dùng và doanh nghiệp châu Âu với các công cụ giúp cuộc sống tài chính của họ trở nên đơn giản, đáng tin cậy và an toàn hơn.
Được thành lập bởi hai doanh nhân Thụy Điển là Daniel Kjellén và Fredrik Hedberg vào năm 2012, Tink ban đầu là một ứng dụng quản lý tài chính nhưng sau đó đã chuyển hướng sang tập trung vào việc cung cấp công nghệ cho các doanh nghiệp khác.
Công ty khởi nghiệp này được thành lập tại Stockholm vào năm 2012 và có khoảng 400 nhân viên, với công nghệ kết nối với hơn 3.400 ngân hàng, tiếp cận hơn 250 triệu khách hàng của ngân hàng trên khắp châu Âu.
Công nghệ của Tink cho phép các ngân hàng và công ty công nghệ tài chính (fintech) kết nối với hơn 3.400 ngân hàng để tạo ra các sản phẩm tài chính mới.
Công ty có trụ sở tại Stockholm lần gần nhất được tư nhân định giá 680 triệu euro. Công ty này đã huy động được hơn 300 triệu USD từ các nhà đầu tư bao gồm PayPal, SEB và ABN AMRO.
Visa cho biết Tink sẽ giữ nguyên đội ngũ quản lý và xây dựng thương hiệu của mình sau thương vụ này, mặc dù trụ sở chính của công ty sẽ vẫn ở Stockholm.