VNNIC: Tỷ lệ IPv6 của Việt Nam đã đạt xấp xỉ 10%

VNNIC: Tỷ lệ IPv6 của Việt Nam đã đạt xấp xỉ 10%
Tạp chí Nhịp sống số - Gia tăng nhanh chóng trong khoảng 1 năm trở lại đây, hiện tỷ lệ IPv6 của Việt Nam đã đạt xấp xỉ 10%, đưa Việt Nam lên vị trí thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á và thứ 5 trong khu vực châu Á về tỷ lệ ứng dụng IPv6.

Theo Báo cáo Tài nguyên Internet Việt Nam 2017 của Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC), tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam tăng trưởng mạnh bắt đầu từ thời điểm tháng 4/2016. Theo thống kê từ APNIC - Trung tâm Internet khu vực châu Á - Thái Bình Dương, tính đến cuối tháng 10/2017, tỷ lệ ứng dụng IPv6 của Việt Nam đạt khoảng 10% (tương ứng với khoảng 4,3 triệu người sử dụng), đứng thứ 3 khu vực ASEAN (sau Malaysia, Thái Lan) và đứng thứ 5 khu vực châu Á (sau Ấn Độ, Nhật Bản, Malaysia và Thái Lan).

Tỷ lệ ứng dụng chung của Việt Nam có được là do kết quả triển khai tốt dịch vụ IPv6 của hai doanh nghiệp ISP lớn là FPT Telecom và VNPT cũng như hoạt động ổn định của hệ thống mạng cơ sở hạ tầng IPv6 quốc gia trên nền tảng mạng DNS quốc gia và trạm trung chuyển internet quốc gia. Cụ thể:

Tính tới hết tháng 7/2017, FPT đã cung cấp dịch vụ IPv6 cho khoảng 882.000 khách hàng hộ gia đình sử dụng dịch vụ băng rộng cố định. Đến hết ngày 31/10/2017, tỷ lệ truy cập ra quốc tế qua IPv6 của FPT Telecom đạt khoảng 34,6%.

Cũng đến hết tháng 7/2017, VNPT đã triển khai dịch vụ IPv6 cho khoảng 500.000 khách hàng băng rộng cố định tại 22 tỉnh thành phố trên cả nước, thử nghiệm triển khai dịch vụ 4G LTE trên nền tảng IPv6. Tỷ lệ truy cập ra quốc tế qua IPv6 của VNPT tăng trưởng bứt phá từ 0,03% vào tháng 1/2017 lên mức 8% vào tháng 10/2017 (nguồn APNIC).

Trong mảng dịch vụ nội dung, báo VnExpress hiện là đơn vị đầu tiên đã chuyển đổi thành công dịch vụ IPv6 cho các chuyên trang chính và trang chủ của báo với 13 website cung cấp dịch vụ nội dung số đã được chuyển đổi thành công, bao gồm trang chủ VnExpress.net. Tỷ lệ lưu lượng IPv6 trong nước đạt khoảng 6,5%, đi quốc tế  đạt khoảng 13% với số lượng người dùng truy cập dịch vụ nội dung khoảng 1.034.000/ngày.

Theo số liệu được VNNIC công bố tại sự kiện ngày IPv6 Việt Nam diễn ra hồi đầu tháng 5/2017, tỷ lệ tăng trưởng IPv6 toàn cầu năm sau tăng gấp đôi so với năm trước (từ 0.5% tại thời điểm 1/2012 đến 16% tại thời điểm 1/2017), hiện tại tỷ lệ sử dụng IPv6 trên thế giới là 20%. Với đà tăng trưởng qua các năm như trên, dự báo đến năm 2019 tỷ lệ sử dụng địa chỉ IPv6 trên thế giới sẽ đạt xấp xỉ 100%. Theo các chuyên gia dự báo đến năm 2020 dân số thế giới đạt 7,6 tỷ người, trong khi đó thế giới sẽ có khoảng 50 tỷ thiết bị kết nối (tỷ lệ ~6,58 thiết bị kết nối/1 người dân).

Do đó, để có thể kết nối các thiết bị với nhau thì cần có số địa chỉ IP rất lớn. Với không gian địa chỉ rộng lớn (3,4.1038 địa chỉ) cùng các ưu điểm khác như an toàn bảo mật, tự động cấu hình, … khiến IPv6 trở nên quan trọng và cần thiết. 

Chính vì vậy, cả thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã có kế hoạch, lộ trình chuyển đổi dần từ IPv4 sang IPv6. Việt Nam đã bước sang giai đoạn cuối cùng của lộ trình - Giai đoạn chuyển đổi với mục tiêu đặt ra là hoàn thiện mạng lưới và dịch vụ IPv6, đảm bảo hoạt động ổn định với địa chỉ IPv6 và các tổ chức, doanh nghiệp chính thức sử dụng và cung cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ IPv6.

Có thể bạn quan tâm

Theo Microsoft, có đến 88% lao động tri thức ở Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở nơi làm việc. AI được cho là giúp người lao động tiết kiệm thời gian, tăng khả năng sáng tạo và tập trung vào các nhiệm vụ chính.