Sau khi được Bộ TT&TT cấp Giấy phép thử nghiệm mạng và Dịch vụ viễn thông về LTE/LTE-A, đồng thời được Cục Tần số vô tuyến điện cho phép thử nghiệm trên băng tần 2600Mhz, 2x20Mhz tại block B-B’ (Kiên Giang, Phú Quốc) và băng tần 2600Mhz, 2x30Mhz, block A-A’ (thành phố HCM), VNPT đã triển khai thử nghiệm phát sóng 100 trạm tại thành phố HCM vào ngày 15/01. Ngày 18/01, đã thử nghiệm phát sóng thành công 50 trạm tại Phú Quốc.
Trong giai đoạn thử nghiệm, VNPT có khả năng cung cấp cho khách hàng mạng 4G tốc độ download/upload lên tới hơn 200 Mbps hoặc tới 600 Mbps, thậm chí lên Gbps trong giai đoạn tiếp theo.
Trải nghiệm thực tế tại TP.HCM và Phú Quốc cho thấy, với các loại đầu cuối điện thoại khác nhau, tốc độ download đạt trung bình từ 95.90Mbps đến 245.63Mbps, cao hơn 3G khoảng 10 lần, độ trễ của dịch vụ thấp, đặc biệt vùng phủ sóng ổn định hơn hẳn so với 3G, mức tiêu thụ nguồn của thiết bị đầu cuối cũng thấp hơn. Thời gian thiết lập cuộc gọi (nội mạng) khi thử nghiệm tại Phú Quốc và TP.HCM chỉ cần từ 3-5 giây.
Hiện cơ hội 4G đang mở cho tất cả các nhà mạng tại Việt Nam, trong đó có cả VNPT. Trên thực tế, các doanh nghiệp viễn thông đầu tư mạnh vào hạ tầng, thiết bị công nghệ nhưng khách hàng chỉ quan tâm đến dịch vụ và trải nghiệm nên câu chuyện có thành công hay không vẫn là dịch vụ và cách thức kinh doanh của mỗi nhà mạng.
Trước đó, tại buổi Khai trương thử nghiệm 4G, ông Lương Mạnh Hoàng, Phó Tổng Giám đốc VNPT, Chủ tịch VNPT VinaPhone khẳng định “Trong thời gian qua, VNPT đã đầu tư rất mạnh về hạ tầng để đảm bảo có thể cung cấp các dịch vụ băng rộng đáp ứng được nhu cầu khách hàng. Khi được cấp phép 4G sẽ là cơ hội tốt để chúng tôi thay đổi thứ hạng của mình và rút ngắn khoảng cách với đối thủ số 1 trên thị trường. Tất nhiên, để làm được điều này, VNPT cũng cần giải các bài toán đặt ra cho mình. Nếu giải được thì việc giành được thị phần là mục tiêu khả thi”.
Trong khi đó, theo các chuyên gia, bên cạnh việc cần một hạ tầng mạnh – “xa lộ” để dịch vụ 4G phát triển, điều cốt lõi để 4G thành công chính là phải tạo ra một hệ sinh thái đủ mạnh mà Internet vạn vật (IoT) là điều không thể thiếu. Về yếu tố này, VNPT cũng đã tiên phong nghiên cứu và phát triển khá lâu. Hiện IoT đang là một trong những nền tảng giải pháp chiến lược của VNPT Technology, đơn vị nòng cốt của Tập đoàn VNPT trong lĩnh vực công nghệ công nghiệp, Viễn thông, CNTT.
Theo ông Nguyễn Trung Kiên – Giám đốc Marketing & Truyền thông công ty VNPT Technology, IoT có thể còn tương đối mới ở Việt Nam nhưng VNPT Technology đã nghiên cứu một thời gian tương đối dài. VNPT Technology đã phát triển nền tảng IOT Smart Connected Platform (SCP). Đây là nền tảng mở và duy nhất kết nối vạn vật cung cấp dịch vụ End - to – End, hiện đã xong phiên bản 1.2. Nền tảng này mở cho cộng đồng phát triển, có thể tích hợp được cả các thiết bị của các hãng khác, các nhà phát triển ứng dụng cũng có thể sử dụng các giao thức mở này để phát triển các ứng dụng cho các ngành dọc.