Là Tập đoàn hàng đầu quốc gia về xây dựng và phát triển các giải pháp công nghệ số, những người đứng đầu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) luôn đặt câu hỏi, làm thế nào để giảm thiếu tối đa thiệt hại cho khách hàng từ các vụ lừa đảo? Để ngăn chặn vấn nạn này, VNPT đã không ngừng đầu tư phát triển hàng loạt các giải pháp phòng, chống lừa đảo trên mạng được khách hàng đánh giá rất cao.
Chỉ tính riêng năm 2023 tại Việt Nam, các đối tượng tội phạm mạng trong và ngoài nước liên tục thay đổi phương thức, thủ đoạn, triệt để lợi dụng công nghệ mới để tấn công, xâm nhập, lừa đảo quy mô lớn, gây thiệt hại lớn về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến trật tự an toàn xã hội, đe dọa người dùng cá nhân cũng như các doanh nghiệp.
Theo thống kê, cổng cảnh báo an toàn thông tin ghi nhận gần 16.000 phản án lừa đảo trực tuyến; trong đó 91% liên quan lĩnh vực tài chính, tăng 64,78% so với năm 2022, tỷ lệ người dùng nhận tin nhắn, cuộc gọi lừa đảo là 73%.
Cũng theo số liệu thống kê của Bộ Công an, số tiền người dân bị các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt trên mạng trong năm 2023 tăng gấp rưỡi so với năm 2022, tức là tăng từ 8.000 lên 10.000 tỷ đồng và các vụ án đã bị khởi tố vì tội lừa đảo trên không gian mạng lên đến 1.500 vụ. Theo các chuyên gia, phương thức lừa đảo hoàn toàn mới, ngày càng tinh vi, khó lường và nguy hiểm hơn, gây thiệt hại nặng nề hơn cho người dân và các tổ chức.
Hiện tại có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản và các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng, nhắm vào các nhóm đối tượng là người cao tuổi, trẻ em, sinh viên/thanh niên, các đối tượng công nhân/người lao động, nhân viên văn phòng.
Các nhóm lừa đảo này đều qua một hình thức kỹ thuật phổ biến, đó là lừa người dùng cài đặt, truy cập, cung cấp thông tin vào các địa chỉ, phần mềm độc hại. Cách thức phổ biến của lừa đảo trên không gian mạng thông qua các tin nhắn, các cuộc gọi điện thoại, lừa đảo truy cập vào trang web hoặc cài mã độc tống tiền và lừa đảo qua ứng dụng trên di động.
Dưới góc độ nhà cung cấp hạ tầng viễn thông, dịch vụ số trên không gian mạng, VNPT luôn coi công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin, phát hiện, ngăn chặn, loại trừ ừ các hình thức lừa đảo nhằm mang lại một không gian mạng sạch, dịch vụ số tiện dụng và an toàn cho khách hàng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ này góp phần đem lại niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu VNPT... Đây cũng là khẳng định của ông Tô Dũng Thái - Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn VNPT tại Hội thảo Phòng, chống lừa đảo trên không gian mạng diễn ra ngày 13/5 tại Hà Nội.
Để phòng chống lừa đảo trên không gian mạng, trong thời gian gần đây, Bộ Công An, Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội An ninh mạng đã ban hành các quy định, hướng dẫn và đồng hành cùng các nhà mạng thực hiện nhiều biện pháp.
Để thực hiện nhiệm vụ này, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn VNPT Tô Dũng Thái cho rằng, trước tiên đối với tất cả các nhà mạng viễn thông cần triển khai đầy đủ, nghiêm túc và đồng bộ các quy định, yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước trong công tác phòng chống lừa đảo trên không gian mạng; tổ chức đội ngũ chuyên trách, đủ năng lực để đảm đương nhiệm vụ đảm bảo an toàn an ninh trên không gian mạng. Như VNPT, hiện có hơn 100 kỹ sư làm công tác đảm bảo an toàn an ninh trên toàn hệ thống, đội ngũ cán bộ kỹ thuật giải quyết trực tiếp các vấn đề về an toàn an ninh cho khách hàng tại 63 tỉnh/thành phố trên toàn quốc.
Theo ông Tô Dũng Thái, việc làm trước tiên của người dùng cũng như các tổ chức phải có ý thức tuân thủ các quy định pháp luật. Trách nhiệm của người dùng dịch vụ viễn thông là phải đăng ký định danh sử dụng dịch vụ. Trong thời gian qua, VNPT đã phát triển, xây dựng thành công các công cụ định danh trên hạ tầng viễn thông. Nhà mạng của VNPT cũng tiến hành rà soát kiên quyết loại bỏ các tài khoản, các truy cập dịch vụ viễn thông nạc danh như Sim rác, số điện thoại giả mạo. Đồng thời, chặn lọc, hỗ trợ cơ quan quản lý nhà nước điều tra truy vết các địa chỉ mạng xấu, độc hai, vi phạm pháp luật. VNPT vẫn đang theo sát việc làm này và đến nay cũng đã có những chuyển biết nhất định. Cụ thể từ đầu năm 2023 đến nay, riêng VNPT đã phát hiện và xử lý hơn 4 triệu hành vi giả mạo, lừa đảo trên mạng của mình.
Bên cạnh đó để đối phó với các hình thức lừa đảo đang len lỏi gây hại cho các dịch vụ số, VNPT đã phát triển các sản phẩm dịch vụ định danh, xác thực người dùng dịch vụ số như VNPT eKYC để xác thực người dùng qua các dấu hiệu sinh trắc học, dịch vụ VNPT CA, VNPT Smart Contract để định danh người dùng, tổ chức khi thực hiện các giao dịch trực tuyến.
VNPT cũng xây dựng giải pháp, công cụ chặn lọc nội dung, địa chỉ xấu độc trên hạ tầng mạng cũng như các giải pháp thu thập tin tức tình báo an ninh mạng (VNPT CTIP). Đây là những giải pháp tập trung thu thập, phân tích cập nhật thông tin về các nguy cơ có thể làm ảnh hưởng cũng như đe doạ tới tài sản, uy tín và an toàn của tổ chức như các cuộc tấn công mạng hiện tại, lỗ hổng bảo mật, thông tin bị lột lọt trái phép, các website, ứng dụng, IP có mục đích lừa đảo.
Là nhà cung cấp dịch vụ Internet, VNPT xác định cần có các dịch vụ an ninh mạng cơ bản đối với mỗi khách hàng của mình. Chính vì vậy, VNPT đã phát triển các giải pháp phần mềm và đưa vào triển khai khá hiệu quả như dịch vụ an ninh cho thiết bị IoT - VNPT IoT Guard Firewall; dịch vụ chặn lọc, làm sạch đường kết nối Internet tại gia đình - VNPT Family Safe; các giải pháp, dịch vụ chặn lọc, bảo vệ chủ động cho doanh nghiệp - VNPT MSS, VNPT DNS Protection; các giải pháp, dịch vụ phần mềm cho điện thoại smartphone.
Chủ tịch Tô Dũng Thái khẳng định, VNPT luôn coi công tác đảm bảo an ninh, chống lừa đảo trên không gian mạng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, nhiệm vụ này góp phần đem lại niềm tin của khách hàng đối với thương hiệu VNPT. VNPT cam kết đồng hành cùng các cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia chung tay thực hiện các giải pháp xây dựng thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng để chống lừa đảo nói riêng và đảm bảo an ninh không gian mạng nói chung.