Tencent, công ty đứng sau WeChat, cho biết số lượng người dùng ứng dụng này hàng tháng đã đạt được cột mốc đáng chú ý trong dịp Tết Nguyên đán hồi tháng 2 vừa qua. 1 tỷ người dùng là con số ấn tượng, song vẫn còn thua xa số lượng 2,1 tỷ người dùng hoạt động hàng tháng của Facebook và 1,5 tỷ người dùng của WhatsApp.
Để có thể bắt kịp 2 con số trên, WeChat sẽ phải vật lộn để giành được sự ủng hộ của người dùng bên ngoài thị trường nội địa.
“Sự tăng trưởng của WeChat đã chậm lại trong 2 năm qua. Nó đã đạt tới đỉnh và sẽ không thể đi xa hơn nữa”, Matthew Brennan, nhà sáng lập ChinaChannel – hãng tập trung nghiệp cứu vào WeChat – cho biết.
Thành công của WeChat trong nước được giúp đỡ một phần nhờ chính phủ Trung Quốc quyết định chặn Facebook, Twitter và các nền tảng mạng xã hội đối thủ khác trên khắp thế giới. Hiệp hội viễn thông GSMA ước tính 98% trong tổng số 1,4 tỷ người dân Trung Quốc sở hữu smartphone, và doanh thu của các thiết bị này bắt đầu giảm từ năm ngoái.
Trong khi đó, WeChat đã không thành công tại các thị trường khác bên ngoài Đại lục. WeChat chậm chân hơn trong việc tiếp cận thị trường so với các đối thủ như Facebook, WhatsApp và các đối thủ lớn khác. Những tính năng giúp WeChat phổ biến tại Trung Quốc – có thể làm mọi thứ từ việc đặt các cuộc hẹn đến chăm sóc thú cưng hay gửi tiền cho bạn bè – đã không thu hút được người dùng nước ngoài, nơi nhiều người đã sử dụng các nền tảng quen thuộc như Paypal.
Tăng trưởng người dùng không phải là ưu tiên hàng đầu của WeChat, thay vào đó Tencent sẽ tập trung thúc đẩy người dùng ứng dụng cho nhiều hoạt động hơn, chẳng hạn như chơi game, giải trí và thanh toán. Theo ông Brennam, WeChat có rất nhiều “tiềm năng chưa được khai thác” để đem lại doanh thu lớn hơn nhờ việc thu hút người dùng dành nhiều thời gian và tiền bạc vào các ứng dụng.