Trong nỗ lực bảo vệ thính giác, Tổ chức Y tế Thế giới và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) đã ban hành một tiêu chuẩn quốc tế không ràng buộc về sản xuất và sử dụng các thiết bị âm thanh.
Phía AFP đưa tin, khoảng một nửa số người trong độ tuổi từ 12 đến 35, tương đương 1,1 tỉ người, có nguy cơ hỏng thính giác do "tiếp xúc quá lâu và quá nhiều với âm thanh lớn, bao gồm cả âm nhạc họ nghe qua các thiết bị âm thanh cá nhân”. Những người trẻ tuổi đặc biệt gặp rủi ro vì thói quen nghe nhạc.
Người đứng đầu WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chỉ ra rằng thế giới đã có "bí quyết công nghệ” để ngăn ngừa mất thính giác. "Không nên để xảy ra nhiều trường hợp người trẻ tiếp tục ‘làm hỏng’ thính giác của họ vì nghe nhạc," ông nói trong một tuyên bố.
Hiện nay, khoảng 5% dân số toàn cầu, tương đương với hơn 466 triệu người, trong đó bao gồm 34 triệu trẻ em, bị mất khả năng nghe. WHO cho biết vẫn chưa rõ có bao nhiêu người trong số họ bị tổn hại thính giác thông qua việc sử dụng các thiết bị âm thanh nguy hiểm.
Mặc dù vậy, họ khẳng định những tiêu chuẩn mới được phát triển bởi ITU sẽ còn phải đi một chặng đường dài để có thể bảo vệ an toàn cho khách hàng. WHO cho biết âm lượng trên 85 decibel liên tục trong 8 giờ hoặc 100 decibel trong 15 phút là không an toàn.
Các thiết bị và hệ thống nghe an toàn yêu cầu phải có phần mềm "hỗ trợ âm thanh" trong tất cả các thiết bị để theo dõi mức âm lượng, thời lượng tiếp xúc với âm thanh của người dùng và để đánh giá rủi ro gây ra cho thính giác của họ. Hệ thống này có thể cảnh báo người dùng khi họ nghe ở mức nguy hiểm. WHO cũng đang kêu gọi có điều khiển âm lượng tự động trên các thiết bị âm thanh.
"Hãy nghĩ về nó giống như lái xe trên đường cao tốc, nhưng không có đồng hồ tốc độ trong xe hơi hoặc giới hạn tốc độ", thành viên WHO Shelly Chadha trả lời các phóng viên ở Geneva. WHO đã đề xuất rằng điện thoại thông minh nên được trang bị “đồng hồ tốc độ”, với hệ thống đo lường cho biết người dùng nhận được bao nhiêu âm thanh".