Thế giới hiện có 9 nước chính thức sở hữu vũ khí hạt nhân và nếu chúng đồng loạt phát nổ sẽ phá hủy hoàn toàn Trái đất. Tuy nhiên, công nghệ sử dụng trong các hệ thống này không hiện đại như mọi người vẫn nghĩ.
Vương quốc Anh có 4 tàu ngầm loại Vanguard, mỗi chiếc trang bị 16 tên lửa Trident. Tất cả đều mang đầu đạn hạt nhân với sức hủy diệt gấp 8 lần quả bom từng thả xuống thành phố Hiroshima. Đây được coi là một trong những đội tàu ngầm hùng mạnh nhất thế giới.
Nhưng điều khiến nhiều người tỏ ra ngạc nhiên là việc chúng được điều khiển bởi một biến thể của Windows XP.
Ngược với suy đoán của mọi người và cảnh báo từ Microsoft, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Anh đã bác bỏ thông tin cho rằng hệ thống máy tính trên tàu ngầm dễ bị tấn công bởi virus và mã độc. Ông nhấn mạnh, Trident “vẫn an toàn và được bảo mật rất tốt” trước các cuộc tấn công.
Không chỉ quân đội tại xứ sở sương mù mới có quyết định “lạ đời” như vậy, ngay cả Hải quân Mỹ còn duy trì khoản tiền 9 triệu USD mỗi năm để Microsoft hỗ trợ cho Windows XP và cung cấp các bản vá lỗi. Thỏa thuận có giá trị đến tháng 7/2016.
Chương trình truyền hình “60 Minutes” của đài CBS từng công bố hàng loạt bức hình đến khó tin tại Trung tâm phóng tên lửa hạt nhân của Không quân Mỹ ở Wyoming. Những chiếc máy tính sử dụng đĩa mềm loại 8-inch được phát triển từ năm 1971 trở thành “đầu não” cho toàn bộ hệ thống.
Tuy nhiên, trước câu hỏi về tính lạc hậu trang thiết bị như vậy, đại diện Không quân Mỹ cho biết, các kỹ sư mạng đã phân tích hệ thống vài năm trước và khẳng định chúng “cực kỳ an toàn”. Một phần do máy tính quá cũ và không kết nối Internet.
Chính phủ Hoa Kỳ đang lên kế hoạch nâng cấp và hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân của mình trong 10 năm tới. Mức kinh phí dự trù vào khoảng 352 tỷ USD. Đến lúc đó, có thể những hệ thống này sẽ được “lên đời” Windows 10 và cổng kết nối USB Type-C.