Ứng dụng các dịch vụ máy học của AWS, WWF-Indonesia có thể hiểu rõ hơn về quy mô và tình trạng sức khỏe của quần thể đười ươi trong môi trường sống bản địa của chúng, cho phép tổ chức phi lợi nhuận này có thể tiến hành khảo sát nhiều vùng lãnh thổ hơn với ít tài nguyên hơn, giúp giảm chi phí hoạt động và tăng thêm nguồn quỹ bảo tồn để bảo vệ hiện trạng đa dạng sinh học của Indonesia.
Chú đười ươi trẻ Orangutan tại Jambi, Sumatra, Indonesia_bản quyền thuộc Fletcher&Baylis
Đười ươi Orangutan nằm trong số những loài linh trưởng thông minh nhất trên trái đất, có khả năng chế tạo và sử dụng công cụ, sống thành những quần thể với các nền văn hóa khác biệt. Các hoạt động của con người bao gồm săn trộm, phá hủy môi trường sống, và buôn bán vật nuôi bất hợp pháp đã gây ra sự suy giảm nghiêm trọng trong quần thể đười ươi, bao gồm ba loài vượn lớn của Indonesia và Malaysia. Theo WWF, quần thể đười ươi Bornean đã giảm hơn 50% trong 60 năm qua và môi trường sống của các loài đã giảm ít nhất 55% trong vòng 20 năm qua. Đười ươi chủ yếu sống đơn độc và dành phần lớn cuộc sống của chúng trên cây, điều này khiến các nỗ lực của các nhà bảo tồn trong đo lường chính xác số lượng quần thể còn lại trở nên phức tạp hơn.
Từ năm 2005, WWF-Indonesia đã đánh giá tình trạng sức khỏe của quần thể đười ươi và bảo tồn môi trường sống rộng 568.700 ha của chúng tại Vườn quốc gia Sebangau ở Trung Kalimantan, Indonesia. Trước đây, để thực hiện đánh giá, các chuyên gia và tình nguyện viên bản địa phải đi thực địa hàng ngày để tìm đười ươi, chụp ảnh chúng, tải hình ảnh xuống máy tính tại chỗ, và truyền dữ liệu về thành phố để chuyên gia WWF phân tích. Quá trình thủ công này khiến các chuyên gia WWF-Indonesia phải mất ba ngày để phân tích mỗi lô ảnh gồm hàng ngàn tấm, một quá trình có thể dễ mắc sai lỗi do khối lượng dữ liệu quá lớn.
Nhờ sử dụng AWS, giờ đây WWF-Indonesia sẽ tự động thu thập hình ảnh từ điện thoại di động và camera cảm biến chuyển động tại cơ sở hiện trường và tải lên Amazon Simple Storage Service (Amazon S3) để được phân tích. Nhờ sử dụng các công nghệ như Amazon SageMaker - một dịch vụ máy học được quản lý toàn bộ cho phép các nhà khoa học dữ liệu và nhà phát triển nhanh chóng và dễ dàng xây dựng, đào tạo và triển khai các mô hình máy học quy mô lớn, WWF Indonesia đã giảm thời gian phân tích từ tối đa ba ngày xuống dưới mười phút. Độ chính xác và tính đặc thù của dữ liệu nhờ đó cũng tăng lên, bao gồm các số đo như tỷ lệ giới tính và tuổi tác, đánh giá khả năng tồn tại của quần thể, và nhanh chóng xác định được các cá thể đang mang thai, ốm hoặc bị thương tích cần điều trị ngay lập tức. Nhờ áp dụng máy học, WWF-Indonesia đã giảm sự phụ thuộc của mình vào một số ít chuyên gia bảo tồn và cải thiện độ chính xác và sự đa dạng của dữ liệu về quần thể đười ươi.
Trong tương lai, WWF-Indonesia có kế hoạch khai thác sử dụng nhiều hơn nữa các dịch vụ máy học, chẳng hạn như Amazon Rekognition, một dịch vụ phân tích hình ảnh và video, để cải thiện tốc độ và độ chính xác của các hoạt động xác định và theo dõi quần thể.
Aria Nagasastra, Giám đốc Tài chính và Công nghệ WWF-Indonesia cho biết.: “Là một tổ chức phi lợi nhuận, chúng tôi luôn tìm cách làm việc thông minh hơn, sử dụng các nguồn tài nguyên của chúng tôi quả hơn để thực hiện tốt hơn sứ mệnh bảo tồn các loài động vật của mình. Sử dụng các dịch vụ AWS như Amazon SageMaker và Amazon S3, chúng tôi bắt đầu tạo ra một công cụ có thể truy cập được dành cho các nhà khảo sát thực địa, ngay cả khi họ có hạn chế về chuyên môn và năng lực, để xác định chính xác loài động vật hoang dã trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Nhờ sử dụng công nghệ cẩn trọng, những sáng tạo này sẽ giúp các nhà sinh học và bảo tồn học có thể giám sát hiệu quả và tiết kiệm chi phí các hành vi của động vật hoang dã qua thời gian, do đó chúng tôi có thể phân bổ tài nguyên của mình để mở rộng các nỗ lực giám sát và đầu tư nhiều hơn vào các hoạt động bảo tồn. Việc hợp tác giữa WWF-Indonesia và AWS trong các giải pháp công nghệ sáng tạo mới có thể mang tới cơ hội nâng cao các hoạt động bảo tồn đa dạng sinh học tại Indonesia lên tầm cao mới”.
Peter Moore, Giám đốc điều hành khu vực Châu Á Thái Bình Dương và Nhật Bản, khu vực công toàn cầu (Worldwide Public Sector), Amazon Web Services cho biết: “Tăng cường sức mạnh cho các tổ chức phi lợi nhuận với công nghệ đám mây để xây dựng nên một thế giới tốt đẹp hơn, là một ưu tiên của AWS trong khu vực công. Chúng tôi rất vui mừng được giúp WWF-Indonesia thúc đẩy sứ mệnh bảo tồn quần thể đười ươi, và chúng tôi cam kết giúp họ đổi mới sáng tạo nhiều hơn nữa trên nền tảng AWS để bảo vệ các loài có nguy cơ tuyệt chủng khác còn lại trên toàn thế giới.”