Theo thông tin từ
Đặc biệt, ASOCIO Smart City Summit 2018 – Hanoi sẽ trực tiếp trao đổi, thảo luận và đề xuất các giải pháp giúp xây dựng, phát triển đô thị thông minh cho Hà Nội và các thành phố khác tại Việt Nam, giúp giải quyết các vấn đề cấp bách đang được thành phố quan tâm như: quản lý giao thông, đô thị, an ninh trật tự, môi trường,…
Đầu tháng 8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 950/QĐ-TTg 2018 duyệt Đề án phát triển đô thị thông minh bền vững Việt Nam giai đoạn 2018-2025, định hướng đến 2030. Mục tiêu của đề án là xây dựng ít nhất 3 đô thị thông minh trước năm 2025 với nguyên tắc sử dụng các phương tiện hỗ trợ công nghệ thông tin truyền thông (ICT) và các phương tiện khác góp phần thúc đẩy nâng cao sức cạnh tranh, đổi mới, sáng tạo, minh bạch, tinh gọn, hiệu lực hiệu quả quản lý của chính quyền các đô thị, nâng cao hiệu quả sử dụng đất đai, năng lượng và các nguồn lực phát triển, cải thiện và nâng cao chất lượng môi trường sống đô thị, kích thích tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội. Đây chính là khởi đầu cho một hành lang pháp lý thông thoáng, cũng như thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc xây dựng các thành phố thông minh.
Hà Nội hiện có khoảng gần 8 triệu dân, mật độ dân số trung bình lên đến hơn 2,279 người/km2, có những quận trung tâm, mật độ lên đên 42,000 người/km2, mật độ dân số tương đương một siêu đô thị. Tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học nhanh chóng dẫn đến rất nhiều vấn đề về quy hoạch, ùn tắc giao thông, an ninh, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... Nhu cầu xây dựng một thành phố thông minh bền vững đảm bảo các yếu tố phát triển bền vững mang lại sự tiện ích, an toàn, thân thiện cho mọi người dân đang ngày một trở lên cấp thiết.
Trong bối cảnh đó, Hội nghị Thượng đỉnh về Thành phố thông minh ASOCIO 2018 – Hà Nội được kỳ vọng sẽ không chỉ đưa ra những giải pháp giải quyết các vấn đề của thành phố dựa trên nền tảng ứng dụng những công nghệ chủ chốt của cuộc cách mạng 4.0 mà còn là những kinh nghiệm thực tế triển khai, những mô hình hợp tác công – tư hiệu quả, và những tư vấn cho một hành lang pháp lý thuận lợi cho việc xây dựng thành phố thông minh cho Hà Nội nói riêng, và thành phố của Việt Nam nói chung.
Cụ thể, trong Phiên khai mạc Hội nghị (sáng 18/9) sẽ có các báo cáo chính đáng chú ý như: "Công nghệ mới cho thành phố thông minh hơn" (Google); "Xu hướng các thành phố thông minh trên thế giới" (Gartner)… Tiếp đó, là phiên Toạ đàm chuyên đề: Chia sẻ kinh nghiệm xây dựng Smart city của đại diện lãnh đạo các thành phố.
Hội nghị cũng sẽ đi sâu bàn thảo 3 chủ đề, chia theo 6 hội thảo chuyên đề cụ thể: (1) Chính quyền số và chiến lược xây dựng thành phố thông minh; (2) Thành phố thông minh hơn với ít giao dịch tiền mặt hơn; (3) Hạ tầng, nền tảng - cơ sở quan trọng cho các thành phố thông minh; (4) Dữ liệu định hướng: Thu thập, phân tích dữ liệu và lập kế hoạch cho các thành phố; (5) Công nghiệp thông minh; (6) Các ứng dụng và giải pháp cho Thành phố thông minh.
Bên lề Hội nghị còn có buổi tiếp xã giao của Lãnh đạo Hà Nội với các đoàn quốc tế, các hoạt động xúc tiến hợp tác như Triển lãm giới thiệu các sản phẩm, giải pháp công nghệ tiên tiến cho thành phố thông minh và gặp gỡ giao thương giữa các đại biểu tham gia chương trình.
Dự kiến, Hội nghị sẽ có sự tham dự của 600 đại biểu là lãnh đạo cấp cao của Chính phủ, các Bộ, ngành, lãnh đạo thành phố Hà Nội, các thành phố khác tại Việt Nam và châu Á; lãnh đạo các doanh nghiệp chủ chốt trong các ngành như điện, nước, giao thông, môi trường, ngân hàng, tài chính, y tế…; lãnh đạo các doanh nghiệp, các tập đoàn công nghệ hàng đầu của Việt Nam và thế giới.