Sự kiện Ngày Công nghệ thông tin 2016 với chủ đề “Hạ tầng thông tin quốc gia và Thành phố thông minh” đã chính thức diễn ra. Chương trình do 05 Viện đồng tổ chức bao gồm: Viện Khoa học Công nghệ VINASA (VSTI); Viện Công nghệ thông tin – Đại học Quốc gia Hà Nội (ITI); Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số Việt Nam (NISCI); Viện Tiêu chuẩn chất lượng Việt Nam (VSQI) và Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông – Đại học Bách Khoa Hà Nội (SoICT), dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin & Truyền thông và Bộ Khoa học Công nghệ. Thứ tưởng Bộ KHCN Phạm Đại Dương, đã tham dự và phát biểu tại Hội thảo
Thế giới hiện đang bước vào cuộc cách mạng số hay cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, được hình thành và dẫn dắt bởi sự phát triển bùng nổ của công nghệ thông tin và Internet với các nền tảng công nghệ SMAC, IoT, đang tạo ra một thế giới kết nối không giới hạn về không gian, thời gian và đối tượng; một thế giới là sự kết hợp của các hệ thống thực (vật lý) với hệ thống ảo (số hóa) cùng những công nghệ đột phá như: trí tuệ nhân tạo, Robot, Internet kết nối vạn vật (IoT), in 3D, nano, sinh học, vật liệu mới, năng lượng tái tạo… Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 sẽ tạo nên các thành phố, đô thị thông minh với những chuẩn kết nối dữ liệu nhanh và mạnh mẽ, đáp ứng nhu cầu trao đổi của người dân với chính quyền. Để làm được điều này, Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng hạ tầng thông tin, đáp ứng được nhu cầu của các thành phố, đô thị thông minh.
Tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã thảo luận và quyết định những nội dung quan trọng, trong đó có Nghị quyết số 13-NQ/TW về Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ nhằm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Hạ tầng thông tin được xác định là một trong mười hạ tầng cần phát triển đồng bộ trong hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội quốc gia.
Sau 20 năm hiện đại hóa và tăng tốc phát triển, Việt Nam đã phát triển được một cơ sở hạ tầng thông tin rộng khắp cả nước, bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của công nghệ hiện đại, dịch vụ và ứng dụng tiên tiến trên thế giới, đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội thời kỳ hội nhập và công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Viễn thông, Internet và công nghệ thông tin (CNTT) đã trở thành một ngành kinh tế - kỹ thuật mũi nhọn, đóng góp ngày càng cao vào tăng trưởng GDP, đồng thời cũng trở thành hạ tầng mềm, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Viễn thông, Internet và CNTT cũng đã trở thành công cụ quan trọng trong việc chỉ đạo và điều hành của các cấp các ngành, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân ở khắp mọi miền. Đặc biệt, viễn thông, Internet và CNTT đã được coi là một trong những phương tiện chủ chốt góp phần chuyển đổi mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, đảm bảo phát triển bền vững trong giai đoạn tới, gắn kết và nâng cao hiệu quả sử dụng các hạ tầng kinh tế - kỹ thuật. Tuy vậy, vẫn còn tồn tại những mặt yếu kém, hạn chế sự phát triển của hạ tầng thông tin quốc gia như: nguồn lực đầu tư chủ yếu vẫn là Nhà nước, chưa chú trọng tổ chức thực hiện nghiêm quy hoạch, tính liên kết quy hoạch hạ tầng thông tin với các quy hoạch hạ tầng khác v.v…
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phạm Đại Dương cho biết: “Bộ Khoa học và Công nghệ hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến cũng như nỗ lực của
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Phạm Đại Dương
Trình bày tham luận tại Hội nghị với chủ đề về Hạ tầng thông tin quốc gia, TS Nguyễn Việt Hải, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Công nghệ VINASA đưa cho biết: “Chính phủ phải đóng vai trò tạo điều kiện trong thúc đẩy thị trường cho CNTT và TT, cũng như đáp ứng các vấn đề xã hội và hình thành điều kiện văn hóa để ảnh hưởng đến luồng kiến thức cả CNTT và TT và có liên quan. Chính phủ phải tham gia nhiều hơn vào mức quản lý vi mô của việc hình thành văn hóa xã hội cho xã hội thông tin. Cần xây dựng hệ sinh thái thông tin với văn hóa thông tin và ý thức hệ CNTT trong mọi hoạt động của cuộc sống hàng ngày.”
Liên hệ chặt chẽ giữa Hạ tầng thông tin trong việc phát triển các thành phố, đô thị thông minh, trong tham luận “Nền tảng kết nối thành phố thông minh bằng phần mềm”, TS. Hoàng Lê Minh, Viện trưởng Viện CN Phần mềm và Nội dung số Việt Nam cho biết: “Tại Việt Nam, do chưa cơ quan nào xác định rõ yêu cầu hạ tầng và nền tảng kết nối cần có cho Smart City (hay quy mô quốc gia), nên việc chia sẻ thông tin nói chung vẫn đang có nhiều khó khăn, bất cập. Cùng với sự bùng nổ của thông tin và dữ liệu trong thời đại IoT, BigData, Smart City như hiện nay, vấn đề kết nối và chia sẻ thông tin ngày càng trở nên bức thiết, không thể chỉ giải quyết bằng hoạt động ban hành các quy định (có tính hành chính hay thiên về quản lý), hoặc các quy định chỉ liên quan tới các tiêu chuẩn, đinh dạng, kỹ thuật.”.
Ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lường Chất lượng cho biết, để xây dựng được các đô thị, thành phố thông minh thì rất cần đến những tiêu chuẩn chất lượng cụ thể về công nghệ, hạ tầng v.v…Trong bài tham luận với tựa đề “Chuẩn trong xây dựng đô thị thông minh”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đo lương Chất lượng khẳng định: “Tiêu chuẩn về cơ sở hạ tầng và dịch vụ số là nền tảng công nghệ để xây dựng Đô thị Thông minh. Áp dụng tổng thể các tiêu chuẩn trong nhiều lĩnh vực, đối tượng có liên quan là điều kiện bắt buộc trong đó cần tiếp cận theo các cấp độ kỹ thuật, quá trình, chiến lược. Đặc biệt, việc tiếp cận tiêu chuẩn quốc tế và tiêu chuẩn của các tổ chức tiên tiến hàng đầu là xu thế tất yếu và Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng thuộc Bộ KH&CN với vai trò là cơ quan tiêu chuẩn hoá quốc gia sẽ đóng vai trò đầu tầu trong phát triển các tiêu chuẩn phục vụ Đô thị Thông minh, trên cơ sở phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành, hiệp hội và chính quyền địa phương”.
Đặc biệt, nguyên Giám đốc Sở TT&TT Tp. Hồ Chí Minh, Lê Thái Hỷ đã trình bày mục tiêu xây dựng TP. Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh: “TP. HCM cùng lúc phải giải quyết bài toán tăng trưởng kinhh tế, kết cấu hạ tầng, đảm bảo an sinh, ổn định xã hội và biến đổi khí hậu. Giải pháp tối ưu là dùng ICT để kết nối các hệ thống thông tin khi giải quyết những vấn đề đặt ra nêu trên, vượt qua thách thức để hướng tới quản trị đô thị thông minh hơn. Đô thị thông minh là giải pháp thích hợp và là xu thế của các đô thị trên thế giới, TP. HCM sẽ học tập, tiếp thu những kinh nghiệm quý báu để mục tiêu đến 2025, sẽ trở thành đô thị đáng sống, việc làm và phát triển bền vững hướng đến phục vụ người dân có cuộc sống tốt”.
Ngày Công nghệ thông tin (IT Day) là diễn đàn công nghệ thường niên do VINASA sáng kiến tổ chức lần đầu tiên năm 2014, dành cho giới nghiên cứu, lãnh đạo, quản lý và chuyên gia công nghệ nhằm cập nhật thông tin và định hướng phát triển, ứng dụng công nghệ thông tin trong mọi ngành, lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội; đồng thời tạo cầu nối thúc đẩy hợp tác nghiên cứu phát triển, chuyển giao công nghệ và cơ hội xúc tiến thương mại giữa các tổ chức, doanh nghiệp CNTT và các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng.
Sự kiện năm nay đã thu hút gần 200 đại biểu tham dự, trong đó phần lớn là các lãnh đạo cao cấp, quản lý CNTT các Bộ, Ban, Ngành, và các doanh nghiệp và cơ quan truyền thông, báo chí. Dưới sự bảo trợ của Bộ TTTT và Bộ KHCN, Sự kiện Ngày CNTT sẽ được tổ chức thường niên tạo một diễn đàn khoa học công nghệ có chất lượng và uy tín cao, đóng góp thiết thực, hiệu quả vào việc nâng cao nhận thức, khả năng tiếp thu, làm chủ, sáng tạo công nghệ trong phát triển và ứng dụng CNTT của tất cả các ngành, các địa phương, các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân Việt Nam.