Yêu cầu trang bị hệ thống ITS trên các tuyến đường bộ cao tốc

Yêu cầu trang bị hệ thống ITS trên các tuyến đường bộ cao tốc
Tạp chí Nhịp sống số - Đề án “Xây dựng các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên hệ thống đường bộ cao tốc” đặt ra mục tiêu đến năm 2020 các tuyến đường bộ cao tốc được trang bị hệ thống giao thông thông minh (ITS).

Yêu cầu trang bị hệ thống giao thông thông minh trên các tuyến đường bộ cao tốc

Bộ Giao thông vận tải yêu cầu đến năm 2020  các tuyến đường bộ cao tốc phải được trang bị hệ thống giao thông thông minh để tổ chức khai thác và vận hành giao thông đảm bảo an toàn và thông suốt.

Đề án “Xây dựng các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên hệ thống đường bộ cao tốc” mới đây đã được Bộ Giao thông vận tải (GTVT) phê duyệt nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả của công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn giao thông trên đường bộ cao tốc; nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông cho người lái xe và người dân; đồng thời tăng cường điều kiện an toàn của kết cấu hạ tầng giao thông nhằm giảm thiểu tai nạn, sự cố giao thông, các rủi ro gây tai nạn và ùn tắc giao thông trên đường bộ cao tốc một cách bền vững.

Để đạt được mục tiêu đề ra, Đề án nêu rõ 7 nhóm nhiệm vụ và giải pháp, với những giải pháp cụ thể như: Xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn quốc gia về kiến trúc hệ thống giao thông thông minh, hệ thống thông điệp, dữ liệu giao thông trên đường bộ cao tốc, hệ thống thông tin liên lạc trên đường bộ cao tốc, hệ thống camera giám sát giao thông trên đường bộ cao tốc và công tác bảo trì đường bộ cao tốc; Xây dựng hệ thống có sở dữ liệu an toàn giao thông đường bộ cao tốc phục vụ công tác quản lý an toàn giao thông, xây dựng và ban hành cơ chế báo cáo số liệu, cơ chế chia sẻ thông tin; Đẩy nhanh việc xây dựng và hoàn thiện Trung tâm điều hành ITS khu vực phía Bắc và phía Nam…

Bên cạnh việc triển khai xây dựng và lắp đặt hệ thống giao thông thông minh trên các tuyến đường bộ cao tốc đang khai thác, với yêu cầu là hệ thống phải tích hợp đủ điều kiện cho việc xử lý vi phạm giao thông qua hình ảnh của cảnh sát giao thông kể cả trong điều kiện ban đêm, Bộ GTVT cũng yêu cầu các dự án xây dựng đường bộ cao tốc đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư phải có thiết kế đồng bộ hệ thống giao thông thông minh, các trạm dừng nghỉ, trạm dịch vụ và các trạm cứu hộ, cứu nạn.

Đồng thời, sẽ áp dụng hệ thống thu phí không dừng (ETC) trên toàn bộ các tuyến đường bộ cao tốc; Nghiên cứu áp dụng hệ thống tốc độ giới hạn thay đổi (sử dụng biển báo điện tử thay đổi tốc độ giới hạn tùy theo điều kiện thực tế về đường, thời tiết hoặc các sự cố giao thông); áp dụng chức năng xử lý, cảnh báo từ xa sự cố trên toàn bộ các tuyến đường bộ cao tốc, việc đóng làn đường, cảnh báo, hướng dẫn chuyển làn, giảm tốc độ…. trong hệ thống giao thông thông minh. Bắt đầu vào đường cao tốc phải có một số biển điện tử đặt trên giá long môn cảnh báo những nguy hiểm dẫn đến tai nạn giao thông như: chạy quá tốc độ, không giữ khoảng cách an toàn, không thắt dây an toàn; Ứng dụng hệ thống giao thông thông minh cho công tác xử phạt vi phạm bằng hình ảnh….

Đáng chú ý, tại Đề án này, Bộ GTVT cũng đưa ra các nhiệm vụ, giải pháp về cứu hộ, cứu nạn sẽ được triển khai trong thời gian tới trên hệ thống đường bộ cao tốc, cụ thể: yêu cầu các đơn vị quản lý, khai thác các tuyến đường bộ cao tốc ký hợp đồng với các đơn vị cung cấp dịch vụ cứu hộ, cứu nạn phải có điều kiện ràng buộc là đơn vị cung cấp dịch vụ phải có phương tiện thường trực 24/24h; từng bước thành lập các trạm cứu hộ, cứu nạn có trang thiết bị và nhân lực thường xuyên túc trực 24/24h tập trung tại các trạm dừng nghỉ hoặc tại các điểm với cự ly trung bình khoảng 50m; rà soát việc lắp đặt các trạm điện thoại cứu hộ, cứu nạn trên đường cao tốc…

Theo thông tin từ Văn phòng Chính phủ, triển khai Nghị quyết 36a về Chính phủ điện tử, đối với nhiệm vụ xây dựng hệ thống và hướng dẫn thực hiện qua mạng điện tử trên toàn quốc đối với việc cấp, đổi giấy phép lái xe; cấp, đổi giấy phép kinh doanh vận tải; cấp, đổi biển hiệu, phù hiệu xe ô tô được Chính phủ giao, hiện Bộ GTVT đã hoàn thành xây dựng hệ thống, sẽ triển khai thí điểm trong các tháng cuối năm nay. Bên cạnh đó, cũng trong thời gian qua, Bộ GTVT cũng đã triển khai thí điểm hệ thống giám sát xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai, đoạn Nội Bài - Phú Thọ và đang triển khai hệ thống thu phí điện tử không dừng trên quốc lộ 1 và quốc lộ 14.

Có thể bạn quan tâm

Theo Microsoft, có đến 88% lao động tri thức ở Việt Nam sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI) ở nơi làm việc. AI được cho là giúp người lao động tiết kiệm thời gian, tăng khả năng sáng tạo và tập trung vào các nhiệm vụ chính.