Khi YouTube tuyên bố không có Rewind cho năm 2020 vì lý do Covid-19, nhiều người cảm thấy may mắn, bởi ít nhất YouTube cũng đã không làm thêm một việc vô ích. Năm 2019 và 2018, các video tổng kết năm của YouTube nhận được lần lượt là 9 triệu và 18 triệu dislike, gấp nhiều lần số like.
Cách làm của YouTube trong các video tổng kết những năm qua đã phản ánh đúng thực trạng của nền tảng này, sự dễ dãi với những nội dung độc hại (toxic) khiến YouTube bị những đối thủ mới nổi như TikTok cướp mất vị trí trung tâm của vũ đài sáng tạo nội dung.
Tất nhiên, sự dễ dãi này không đến từ ngày một ngày hai, mà nó đã kéo dài từ lâu. Năm 2017, Felix ‘PewDiePie’ Kjellberg nhận chỉ trích trên khắp thế giới vì đùa cợt trong một video bài Do Thái trên YouTube. Năm 2018, Logan Paul đăng một video cười đùa bên xác chết ở khu rừng tự tử tại Nhật Bản. Cùng năm đó, các video lan truyền thử thách ăn viên bột giặt buộc YouTube phải vội vàng tìm cách gỡ bỏ. Sang năm 2019, trai hư Logan Paul tiếp tục cùng người em Jake Paul thực hiện thử thách nguy hiểm bịt mắt lái xe.
Nhưng đáng sợ nhất trong năm 2019 phải kể đến thử thách Momo ẩn trong các video hoạt hình dành cho trẻ em. Một lần nữa YouTube lại chậm chân trong việc chặn đứng những trào lưu nguy hiểm kiểu này.
Bỏ qua những phương thức để bảo vệ trẻ em khỏi những video độc hại trên nền tảng của mình, YouTube đã phải đối mặt với một vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại khoảng 3,2 tỷ USD ở châu Âu.
Thực tế, nội dung cho trẻ em từ lâu đã trở thành cần câu cơm cho YouTube. Nhưng cả thế giới chỉ thực sự chú ý khi Baby Shark Dance vượt mặt video âm nhạc Despacito để trở thành video được xem nhiều nhất YouTube. Những ngày cuối năm, tạp chí Forbes càng củng cố cho nhận định này khi công bố Top 10 YouTuber kiếm tiền nhiều nhất năm 2020, trong đó đứng đầu tiếp tục là cậu bé 9 tuổi Ryan Kaji.
YouTube đang phải bấu víu vào trẻ em cho sự tăng trưởng, bởi thế hệ Gen Z đã có một năm hoạt động tích cực trên TikTok. Thậm chí những YouTuber lớn tuổi như Trisha Paytas, David Dobrik, James Charles, hay Cody Ko cũng đều có tài khoản TikTok để xây dựng cộng đồng và kiếm tiền từ nền tảng này.
Sự bùng nổ của TikTok chỉ có dấu hiệu chững lại đôi chút khi ứng dụng này bị Ấn Độ và Mỹ cấm cửa. Nhưng điều đó báo hiệu YouTube đã không còn ở vị thế của gã khổng lồ năm nào.
Trong nhiều năm, YouTube đã là trung tâm sáng tạo cho người trẻ trên toàn cầu. Đó là một dòng chảy nội dung bất tận tạo ra hàng triệu view. Giai đoạn 2016 - 2019 chính là thời kỳ nở rộ của các loại video chơi khăm (prank), video hài nhảm và video gắn mác trẻ em. Nhưng ở kỷ nguyên của TikTok khi người trẻ được tự do sáng tạo và chia sẻ, YouTube đang dần bị tụt lại khi những trò lố đã không còn thu hút người xem bằng những video ngắn dưới 15s.
Khi Covid-19 xuất hiện và bắt đầu lan rộng, người dùng phương Tây mới bắt đầu nếm mùi của tin giả (fake news). Mùa bầu cử Mỹ 2020, YouTube cũng vấp phải vấn đề tương tự mà không có cách ngăn chặn ngay từ đầu. Trong đó, chuyện thật tưởng như đùa là việc các tháp 5G bị đốt phá ở Anh và Hà Lan do tin giả về virus corona lan truyền trên YouTube.
Duy nhất một mặt trận mà YouTube có thể tự hào chỉ có thể là game. Nền tảng này đã có một năm thành công nhất trong lịch sử với 100 tỷ giờ xem, gấp đôi con số của năm 2018. YouTube đã được hưởng lợi rất nhiều khi dịch bệnh khiến các hoạt động livestream game bùng nổ dù thực tế cả Twitch lẫn Facebook Gaming cũng đều tăng trưởng.
Cuối cùng, khi năm 2020 sắp khép lại, YouTube vẫn không làm gì để thay đổi. Đó không phải vấn đề ở việc Jake Paul đòi thượng đài với tay đấm huyền thoại Floyd Mayweather, hay Shane Dawson và Jenna Marbles bị phản ứng vì video phân biệt chủng tộc, mà đó là chính sách quản lý nội dung lỏng lẻo trên nền tảng này.