Theo CNBC, YouTube sẽ bắt đầu hiển thị cho người dùng ở Anh và Đức bảng thông tin kiểm tra thật/giả đối với một số tìm kiếm video, trong nỗ lực giải quyết tình trạng sai lệch thông tin ở châu Âu.
Tính năng kiểm tra tin giả được triển khai lần đầu tiên ở Brazil và Ấn Độ trong năm 2019, sau đó ra mắt tại Mỹ vào tháng 4.2020. Vào thời điểm tính năng được áp dụng ở Mỹ, YouTube và các nền tảng khác đang bị chỉ trích vì để nhiều tuyên bố sai sự thật về Covid-19 lan truyền trên mạng. Đáng chú ý, xuất hiện một số thuyết âm mưu cố ý liên kết virus Corona với mạng 5G, dẫn đến sự kiện các tháp di động 5G bị đốt phá tại Anh và Hà Lan.
Trong khi đó, một video có tuyên bố chống vắc-xin (không có thật) đã lan truyền nhanh chóng trên Facebook, YouTube, Vimeo và Twitter. Và theo một nghiên cứu được công bố bởi đại học King’s College London vào tháng 6, những người sử dụng các nền tảng như Facebook và YouTube để tìm kiếm thông tin về virus thì có nhiều khả năng sẽ tin vào các thuyết âm mưu đó.
Ở châu Âu, YouTube dựa vào một số tổ chức của Anh và Đức để hiển thị thông tin chính xác, cũng như xóa tan những lầm tưởng về một số sự kiện và tin tức nhất định. Tại Anh, YouTube nhờ đến BBC và Full Fact, còn ở Đức thì người dùng sẽ xem các xác minh từ Correctiv và BR24.
Trong ví dụ do YouTube cung cấp, hành động tìm kiếm bằng cụm từ “người có thân hình cao và Covid” cho về kết quả bình thường, nhưng sẽ có một bảng thông tin - dẫn nguồn Full Fact xuất hiện ngay dưới khung tìm kiếm ghi rằng: “Không có bằng chứng cho thấy khả năng mắc Covid-19 tăng lên nếu thân hình bạn cao”. Nếu chọn vào bảng thông tin, người dùng được điều hướng đến trang của Full Fact để đọc giải thích cụ thể.
Ben McOwen Wilson, Giám đốc điều hành của YouTube ở Anh, nói việc đưa ra giải pháp kiểm tra tin giả là “một trong nhiều bước mà chúng tôi đang thực hiện để nâng cao các nguồn tin có căn cứ đích xác, cung cấp ngữ cảnh có liên quan và tường tận, đồng thời tiếp tục giảm sự lan truyền của thông tin sai lệch gây hại”.