2021 sẽ là năm “bản lề” quan trọng của chuyển đổi số tại Việt Nam

2021 sẽ là năm “bản lề” quan trọng của chuyển đổi số tại Việt Nam
Tạp chí Nhịp sống số - Chưa bao giờ được thấy sự quyết tâm về chuyển đổi số diễn ra như hiện nay. Từ những thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM đến các tỉnh như Yên Bái, Lào Cai, Pleiku, Đồng Tháp Mười, Cà Mau... tất cả đều đang chuyển đổi. Điều này tạo ra cơ hội cũng như thách thức rất lớn với mọi doanh nghiệp, tổ chức bao

Với nhận định này, ông Phạm Thế Trường - Tổng Giám đốc Microsoft Việt Nam - cho rằng động lực của chuyển đổi tố tại Việt Nam trước hết là nhờ quyết tâm của Chính phủ, đặc biệt là “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” được phê duyệt vào đầu tháng 6/2020.

“Khi Chính phủ chuyển đổi thì sẽ tạo ra một môi trường chuyển đổi, và các doanh nghiệp sẽ có được một “không gian” để nhận những sự hỗ trợ cần thiết cho chuyển đổi và sáng tạo. Năm 2021 sẽ là một năm bản lề quan trọng về chuyển đổi số ở Việt Nam”, ông Trường nói.

Bên lề Hội thảo chuyển đổi số “Business for Better” diễn ra đầu tháng 1/2021, Nhịp Sống Số đã có cuộc phỏng vấn ông Phạm Thế Trường xung quanh vấn đề này. 

Như ông đã chia sẻ tại Hội thảo, 2021 sẽ là năm bản lề quan trọng cho quá trình chuyển đổi số tại Việt Nam. Ông có thể phân tích thêm về điều này?

Như chúng tôi thấy, 2021 sẽ là năm “bản lề” với những thuận lợi và không ít thách thức cho chuyển đổi số tại Việt Nam. Thời gian vừa rồi, tần suất và thời lượng các cuộc họp của cá nhân tôi hoặc team Microsoft đối với các cơ quan chính phủ đã tăng lên đột biến. Đơn cử, chưa bao giờ tôi nhìn thấy bên Bộ Tư pháp muốn tìm hiểu về chuyển đổi số như bây giờ, mà chúng tôi hoàn toàn ủng hộ và đồng hành chuyện đó. Muốn chuyển đổi số, chúng ta cần thay đổi con người, thay đổi văn hóa…, trong đó việc quản lý kỷ cương và hướng dẫn đến từng doanh nghiệp trên nền tảng số là vô cùng quan trọng. Ví dụ, ngày hôm nay tôi chụp hình bất kỳ ai và đưa lên Facebook, ngày mai đó có thể là hành vi bất hợp pháp. Hay như hiện nay, nhiều tỉnh thành tuyên bố là đã có đến 60-70% dịch vụ công được triển khai và người dân bắt đầu tương tác với nền kinh tế số để sử dụng dịch vụ. Tất cả đều cần đến vai trò của hành lang pháp lý quy định và chế tài cho các hành vi trên môi trường số. 

Văn hóa và con người chuyển đổi, sau đó mới đến công nghệ. Và tôi cho rằng năm 2021 sẽ chứng kiến những chuyển động như vậy. 

Qua quá trình làm việc với các doanh nghiệp và tổ chức nhằm thúc đẩy chuyển đổi số, theo ông đâu là những thách thức chính trong lĩnh vực này? 

Một trở ngại ban đầu nhưng cũng sẽ “đeo đẳng” suốt quá trình chuyển đổi số, theo tôi đó là vấn đề Con người. 

Làm thế nào chuyển đổi số không chỉ với những cá nhân giỏi, mà là một tập thể giỏi. Chẳng hạn như một đối tác vừa chia sẻ tại sự kiện “Business for Better” 2021 của Microroft Việt Nam, Công ty Nanoco. Nanoco chỉ có thể chuyển đổi số khi có quyết tâm cao nhất từ các lãnh đạo, như cách anh Lương Lực Văn – Tổng giám đốc Nanoco – đã quyết tâm. Thậm chí anh Văn đề xuất thẳng: trong quá trình chuyển đổi số, muốn có sự cam kết cá nhân và đồng hành từ cá nhân tôi – đại diện cho Microsoft Việt Nam. Từ quyết tâm của những người lãnh đạo cao nhất sẽ lan tỏa thành sức ép và động lực đến các nhân sự khác trong doanh nghiệp, tổ chức. Từ nhận thức cho đến văn hóa của tổ chức, rồi mới nói đến vai trò của công nghệ, nhà thầu, kế hoạch triển khai.

Bên cạnh đó, như anh Lương Lực Văn đã chia sẻ trong câu chuyện rất truyền cảm hứng của doanh nghiệp mình, chuyển đổi số là một chặng đường dài, đi từng bước một, bắt đầu từ cách làm việc thông minh hơn, hiệu quả hơn trên những nền tảng cơ bản nhất như Office 365, Teams rồi lên Azure... 

Nếu cần phải tổng kết trong một “công thức” cô đọng và khái quát nhất, theo ông những yếu tố sẽ làm nên chuyển đổi số thành công là gì?

Theo tôi, sự kết hợp giữa con người và công nghệ bên trong một tổ chức sẽ tạo ra những cơ hội mới cho doanh nghiệp.  Để thành công, doanh nghiệp cần có cả tầm nhìn, chiến lược, văn hóa tổ chức, và tiềm năng khác biệt. Những doanh nghiệp hội tụ đủ 4 yếu tố này sẽ đi đầu trong công cuộc chuyển đổi số, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo ra những sản phẩm, dịch vụ, và mô hình kinh doanh khác biệt trong thời đại mới. 

Một thông tin rất khả quan là theo một nghiên cứu của Microsoft và IDC thực hiện tại khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trước và sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, có 74% lãnh đạo kinh doanh cho rằng đổi mới là điều bắt buộc và khả năng đổi mới đóng vai trò quan trọng đối với hiệu suất và khả năng chống chịu của doanh nghiệp. Có tới 98% các doanh nghiệp tin rằng đổi mới là chìa khóa để nhanh chóng đáp ứng thách thức và cơ hội của thị trường. Những doanh nghiệp tiên phong trong quá trình đổi mới là những doanh nghiệp đã trụ vững và phục hồi nhanh hơn các doanh nghiệp khác trước khủng hoảng.

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! 

Có thể bạn quan tâm

Trong bối cảnh doanh thu viễn thông của nhà mạng nói chung suy giảm 5-10% trong năm 2023, riêng mảng viễn thông di động của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vẫn giữ được tăng trưởng 0,8%.