Theo lời của tác giả Evangelos Simoudis: "Các công ty thường cung cấp nền tảng cơ bản dưới dạng mã nguồn mở để nhanh chóng có thêm các tính năng từ cộng đồng. Điều này khiến nó thích nghi nhanh hơn và rộng rãi hơn".
Thực ra, Baidu đã từng phối hợp với các nhà sản xuất xe hơi như Chery và BMW của Đức nhưng họ vẫn còn thua Google, Tesla, Mobileye hay Delphi một vài bước về công nghệ tự động hóa. Chính phủ Trung Quốc đang muốn các công ty công nghệ như Baidu, Tencent hay Alibaba tham gia vào đổi mới trong ngành công nghiệp ô tô hiện thuộc về các tập đoàn nhà nước. Chính vì vậy, Baidu nhiều khả năng đang tập trung phát triển quan hệ với các hãng như Beijing Auto Industry Corporation (BAIC) và Changan Automotive. Hai hãng này có sản lượng lên tới 1 triệu chiếc xe mỗi năm.
Lợi thế của Baidu
Hiện tại Baidu đang được hậu thuẫn bởi 3 yếu tố, quan trọng nhất trong đó là thị trường xe hơi được bảo vệ của Trung Quốc. Baidu đã gặp phải khó khăn trên thị trường mở trước Google và Delphi do những công ty này đi trước 3-5 năm trong công nghệ xe tự lái. Tuy nhiên ở thị trường Trung Quốc mọi chuyện lại hoàn toàn khác. Lấy một ví dụ về bản đồ: do vấn đề an ninh quốc gia, Bắc Kinh chỉ cung cấp giấy phép bản đồ cho các doanh nghiệp Trung Quốc mà Baidu lại là một trong những công ty hàng đầu. Một số công ty nước ngoài như Here của Đức cũng đang dần tiến vào thị trường này với vai trò cổ đông nhưng quyền điều hành chính vẫn thuộc về phía Trung Quốc. Theo Bộ Công nghiệp và CNTT của Trung Quốc, doanh số xe mới hằng năm được kỳ vọng sẽ vượt mức 35 triệu chiếc vào 2025. 15% trong số đó sẽ được trang bị các khả năng tự động hóa cao cấp.
Lợi thế thứ 2 của Baidu là các nhà sản xuất xe hơi của Trung Quốc cần được giúp đỡ. Xét về chất lượng sản xuất, các công ty lớn như Guangzhou Automotive và Shanghai Automotive đang dần bắt kịp với các đối thủ trên thế giới. Tuy nhiên, họ lại thất thế trong công nghệ tự động hóa. Tại Trung Quốc, việc một công ty công nghệ như Baidu hợp tác với các hãng sản xuất xe hơi là hoàn toàn bình thường, trái ngược hẳn với sự tranh giành hơn thua của Ford, GM trước Google tại Mỹ. Một mẫu xe mới của Beijing Automotive với khả năng tự lái từ Baidu đã được giới thiệu tại triển lãm xe hơi Thượng Hải hồi tháng 4.
Thứ 3, văn hóa lái xe ở Trung Quốc khác với Mỹ và châu Âu. Khách hàng ở đây xem xe hơi như là biểu tượng cho vị thế bên cạnh một phương tiện di chuyển, do đó các yếu tố khác như khả năng tăng tốc và kiểm soát ít được chú ý hơn. Những người đủ khả năng mua xe sẽ thuê tài xế riêng để đối phó với tắc đường, còn những người khác lại hướng tới các dịch vụ xe như Didi Chuxing. Không ngạc nhiên khi theo khảo sát năm 2015 của Boston Consulting Group, 3/4 người Trung Quốc có thái độ tích cực khi nhắc tới xe tự lái. Con số này ở Mỹ và Nhật lần lượt chỉ là 52% và 36%.
Sự an toàn đầy hứa hẹn của xe tự lái cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc định hình quan điểm của công chúng cũng như các nhà chức trách bởi theo WHO, mỗi năm Trung Quốc có 260.000 người chết do tai nạn giao thông.
Tuy có lợi thế là vậy, Baidu lại đang đứng trước một trở ngại lớn mang tên Didi Chuxing. Được biết, hãng này đã đầu tư 6 tỷ USD vào xe tự lái và mở phòng nghiên cứu tại California ở Mỹ vào tháng 3 vừa rồi.
Các hãng nước ngoài như Google, Uber và liên minh Intel, Mobileye và Delphi cũng đang thử nghiệm xe tự lái tại Mỹ. Các công ty Nhật cũng đang lên kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại nhất từ trước đến nay dành cho xe tự lái. Tuy nhiên, con đường đến với thị trường Trung Quốc của họ là tương đối hẹp. Google đã bị thu giấy phép hoạt động hơn 10 năm trước, còn chi nhánh Uber ở đây hiện đã thuộc về Didi Chuxing.
Tất cả những điều này nhắc nhở chúng ta rằng: chỉ công nghệ tiên tiến thôi là không đủ để đảm bảo sự thành công tại thị trường Trung Quốc.