"Bí ẩn" gây sốc: Hóa chất bị cấm trong máy điều hòa, tủ lạnh... đang trở lại

Tạp chí Nhịp sống số - Những hóa chất bị cấm này là một loại khí nhà kính đã góp phần tạo ra các lỗ hổng trong tầng ozone. Chúng bị cấm từ năm 2010 nhưng tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục gia tăng.

Theo bài viết trên The Verge, một nghiên cứu được công bố mới đây trên tạp chí Nature Geoscience cho thấy: các hóa chất bị cấm gây tác động xấu đến tầng ozone đang xuất hiện với tốc độ đáng báo động trong bầu khí quyển của chúng ta. Đáng nói là, các hóa chất bị cấm này vốn từng được sử dụng rộng rãi trong điều hòa không khí và làm lạnh, nhưng đã bị loại bỏ trên toàn cầu vào năm 2010 theo nghị định thư Montreal. Câu hỏi lớn được đặt ra: Vì sao chúng vẫn lại "sinh sôi" và được ghi nhận với mức đáng báo động?

Bí ẩn lớn về sự gia tăng trở lại của các hóa chất bị cấm 

Nghiên cứu mới cho thấy, các nhà khoa học đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng nồng độ của một số loại hóa chất đó đã tăng lên đáng kể, đạt mức cao kỷ lục vào năm 2020. Thủ phạm có thể là các chất làm lạnh mới nhằm thay thế các chất đã làm suy giảm tầng ozone.

Trên thực tế, vấn đề mà chúng ta phải đối mặt thậm chí còn đáng lo ngại hơn - đó là việc các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra nguyên nhân dẫn đến sự phóng thích các hóa chất bị cấm này ra khí quyển. 

Nghị định thư Montreal, là một hiệp ước quốc tế được xây dựng để bảo vệ tầng ozone. Nó được thông qua ngay sau khi các nhà nghiên cứu phát hiện ra một lỗ hổng trong tầng ozone ở Nam Cực vào những năm 1980. Hiệp ước buộc các nhà sản xuất phải tìm giải pháp thay thế cho CFC và các chất làm suy giảm tầng ozone khác.
Nhờ đó, tầng ozone của Trái đất đang được phục hồi, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư da và đục thủy tinh thể.
Các nhà nghiên cứu hy vọng tầng ozone sẽ hoàn nguyên như trước lỗ thủng ở Nam Cực vào khoảng năm 2066 .

Tầng ozone đã phục hồi đáng kể trong vài thập kỷ qua. Tuy nhiên, nếu lượng khí thải tiếp tục tăng, nó có thể phá hủy những tiến bộ mà Nghị định thư Montreal mang lại và làm vấn đề biến đổi khí hậu trở nên trầm trọng hơn.

Stefan Reimann, một nhà nghiên cứu từ Empa - Phòng thí nghiệm Khoa học và Công nghệ Vật liệu Liên bang Thụy Sĩ - đã cho biết trong một cuộc họp báo vào ngày 30/3: “Lượng phát thải của một số loại khí này ngang với mức phát thải của tất cả các loại khí nhà kính ở Thụy Sĩ. Với một người đến từ Thụy Sĩ, đó thực sự là điều khiến tôi bối rối”.

Reimann và các đồng nghiệp của ông đã phát hiện ra sự gia tăng lượng khí thải của năm loại chlorofluorocarbons, hay còn gọi là CFC. Bên cạnh việc được sử dụng rộng rãi trong chất làm lạnh, CFC còn có mặt trong việc sản xuất bình xịt aerosol, bao bì xốp và vật liệu cách nhiệt. Có nhiều loại CFC khác nhau, tất cả chúng đều được cho là sẽ ngừng sử dụng trên toàn thế giới vào năm 2010 theo Nghị định thư Montreal.

Lỗ hổng tầng ozone đang dần được chữa lành sau khi các nhà máy ngừng sử dụng các hóa chất bị cấm theo nghị định thư Montreal
Lỗ hổng tầng ozone đang dần được chữa lành sau nghị định thư Montreal

Đó là lý do tại sao việc phát hiện ra lượng khí thải CFC ngày càng tăng lại là một bất ngờ khiến các nhà khoa học phải bối rối như vậy. CFC đã dần bị loại bỏ kể từ khi Nghị định thư Montreal được thông qua vào năm 1987. Ít nhất, lượng khí thải đáng lẽ phải giảm xuống do việc sản xuất và tiêu thụ các hóa chất này bị cấm hoàn toàn vào năm 2010.

Nghi vấn: có thể khí thải tràn ra từ "kẽ hở" của Nghị định thư Montreal

Nghiên cứu mới cho thấy có một kẽ hở trong Nghị định thư Montreal đã cho phép một số loại CFC vẫn được "tồn tại".

Mặc dù CFC được cho là hầu như không tồn tại trong các sản phẩm từng chứa chúng, nhưng về mặt kỹ thuật, các công ty vẫn được phép sử dụng CFC trong quá trình sản xuất các sản phẩm thay thế. Nói cách khác, CFC có thể được sử dụng làm nguyên liệu hoặc thành phần để tạo ra một loại hóa chất mới.

Đó là trường hợp của ba trong số năm loại CFC đã trở nên phổ biến hơn kể từ năm 2010 (CFC-113a, CFC-114a và CFC-115). Chúng được sử dụng để tạo ra hydrofluorocarbons (hay HFC), thay thế CFC trong điều hòa không khí, tủ lạnh và bình chữa cháy.

Thật không may, HFC cũng là một rắc rối không nhỏ khi chúng rò rỉ từ các thiết bị gia dụng. Theo các nhà nghiên cứu, về khả năng làm trái đất nóng lên, chúng là những loại khí nhà kính “siêu mạnh" gấp hàng trăm đến hàng nghìn lần so với carbon dioxide. Về cơ bản, các nhà hoạch định chính sách đã tạo ra một vấn đề mới bằng cách cố gắng giải quyết một vấn đề cũ. Vì vậy, hiện tại, việc sử dụng HFC trên toàn cầu được cho là sẽ giảm 85% vào năm 2047 theo Bản sửa đổi Kigali 2016 của Nghị định thư Montreal.

Đến nay, các công ty luôn khẳng định rằng có khả năng ngăn chặn rò rỉ và tiêu hủy bất kỳ khí CFC nào còn sót lại do sản xuất HFC hoặc các hóa chất khác. Nhưng có thể điều đó không xảy ra, vì nghiên cứu mới cho thấy lượng khí thải CFC này đang tăng lên.

Các tác giả của nghiên cứu mới đã đo CFC từ 14 địa điểm trên khắp thế giới, nhưng vẫn chưa tìm được chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng ô nhiễm gia tăng này, một phần là do không có sự giám sát chặt chẽ trên toàn cầu.

Isaac Vimont - nhà nghiên cứu tại Phòng thí nghiệm Giám sát Toàn cầu của Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia (Mỹ) - cho biết: “Bạn có thể hình dung nó giống như việc đánh mất chìa khóa trên một cánh đồng cỏ và bạn chỉ có thể đến 10 - 15 điểm cụ thể để tìm chìa khóa của mình. Nếu bạn tình cờ ở ngay bên cạnh chùm chìa khóa, bạn sẽ thấy chúng rất dễ dàng. Nhưng nếu không như vậy, và bị giới hạn phạm vi tìm kiếm, thì mọi chuyện sẽ khó hơn rất nhiều”. 

Vì lý do đó, các nhà nghiên cứu còn "mù mờ" hơn về nguyên nhân gây ra sự gia tăng lượng khí thải của hai loại CFC (CFC-13 và CFC-112a) - khi mà thậm chí chúng còn không được sử dụng trong sản xuất HFC.

“Chúng tôi thực sự không biết nó đến từ đâu và điều đó thực sự đáng sợ,” Stefan Reimann nói trong cuộc họp báo.

Hiện tại, ô nhiễm từ 5 loại CFC nói trên vẫn chưa đến mức phá bỏ thành tựu loại bỏ phần lớn các chất làm suy giảm tầng ozone trong hàng thập kỷ qua. Nhưng nghiên cứu cảnh báo rằng, nếu vấn đề trầm trọng hơn, thì chúng có thể làm chậm quá trình phục hồi tầng ozone và góp phần gây ra các mối đe dọa mới do biến đổi khí hậu. 

Có thể bạn quan tâm