Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Không "Make in Viet Nam" thì không thể tự cường

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Không
Tạp chí Nhịp sống số - "Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động, thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam…". Đó là những chia sẻ của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng trong bài phát biểu khai mạc Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số.

Hôm nay (23/12), Diễn đàn Quốc gia Phát triển Doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam (VFTE) 2020 đã diễn ra tại Hà Nội. Diễn đàn do Bộ Thông tin và Truyền thông  (TT&TT) tổ chức với chủ đề "Doanh nghiệp công nghệ số - Động lực thúc đẩy chuyển đổi số, phát triển kinh tế số Việt Nam". Đây là năm thứ hai Diễn đàn được tổ chức, đánh dấu 1 năm cả nước nỗ lực thực hiện Chi thị 01/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, khẳng định vai trò và sứ mạng chủ lực của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam trong phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, hướng tới khát vọng xây dựng một quốc gia cường thịnh.

Phát biểu khai mạc sự kiện, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định: "Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể tự cường. Không Make in Viet Nam thì Việt Nam không thể hùng cường thịnh vượng..."

Theo đó, Bộ trưởng cho biết: "Make in Viet Nam là một khẩu hiệu hành động. Là thúc giục tinh thần thiết kế tại Việt Nam, sáng tạo tại Việt Nam, làm ra tại Việt Nam... Giải bài toán Việt Nam và từ cái nôi Việt Nam sẽ đi ra toàn cầu...". Và từ đó, Việt Nam có thể làm chủ công nghệ, tự bảo vệ và trở thành một Việt Nam hùng cường thịnh vượng. 

Thực tế trong năm 2020, Make in Viet Nam đã giúp tạo nên nhiều thành tựu. Bộ trưởng TT&TT chia sẻ nhiều về kết quả ở một số lĩnh vực, như Phòng chống Covid-19, công nghệ 5G và an toàn không gian mạng. 

"...Từ Ncovi, Bluezone, CoMeet, tới các nền tảng học trực tuyến, tư vấn khám chữa bệnh từ xa, các nền tảng kế toán từ xa, quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ, siêu nhỏ, ... Có lẽ Việt Nam là top đầu thế giới về sáng tạo các nền tảng số thời covid. Nếu không làm chủ công nghệ, nếu không Make in Viet Nam thì chúng ta đã không làm được như vậy. Phản ứng nhanh là yếu tố sống còn trong thời đại rất khó dự đoán này.  

Make in Viet Nam trong năm qua, năm 2020, cũng đã thúc đẩy các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng của chúng ta làm chủ tới 90% hệ sinh thái sản phẩm an toàn, an ninh mạng Việt Nam. Sứ mệnh cường quốc về an toàn, anh ninh mạng để bảo vệ sự thịnh vượng của việt Nam trên KGM cũng là một trọng tâm của Make in Viet Nam.

Một bất ngờ khác nữa của năm 2020 là Việt Nam trở thành nước thứ năm trên thế giới làm chủ công nghệ 5G, sản xuất được thiết bị hạ tầng 5G, sản xuất được điện thoại 5G. Rất ít người, kể cả trong nước và nước ngoài, tin rằng Việt Nam chúng ta có thể làm được việc này..."

Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, với Chương trình Chuyển đổi số (CĐS) quốc gia được Thủ tướng Chính phủ ban hành tháng 6/2020, sứ mệnh của doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, của Make in Viet Nam là CĐS Việt Nam, là xây dựng một Việt Nam số, là chuyển đổi Việt Nam từ thế giới thực vào thế giới ảo. Đây là chặng đường dài nhiều chục năm. Vì thế, Make in Viet Nam cần một tầm nhìn dài hạn và những chiến lược giai đoạn.

Lựa chọn công nghệ mở để phát triển, xây dựng một bộ chỉ số đo lường, khích lệ bằng giải thưởng quốc gia về sản phẩm công nghệ số là các hành động được đưa ra trong năm 2020, phục vụ cho chặng đường này, Bộ trưởng cho biết

Đặc biệt, muốn Make in Viet Nam thì phải làm chủ công nghệ. Lời giải cho làm chủ công nghệ của Việt Nam là công nghệ mở. Diễn đàn Viet Nam Open Summit tháng 11/2020 đã tuyên bố chiến lược công nghệ mở. 

"Với một nước đi sau như Việt Nam chúng ta mà muốn đi trước thì phải đứng trên vai những người khác. Việc lựa chọn phát triển công nghệ mở, lựa chọn phát triển phần mềm nguồn mở, lựa chọn mở dữ liệu để các cá nhân, doanh nghiệp tham gia sáng tạo giá trị mới là định hướng của chúng ta. Với định hướng này, Việt Nam sẽ phát triển thành quốc gia công nghệ, dựa trên và thừa hưởng tri thức nhân loại nhưng cũng đóng góp cho tri thức nhân loại", Bộ trưởng nói.

Theo ông, sự kiện Viet Nam Open Summit lần thứ nhất là cam kết của Việt Nam về phát triển và làm chủ công nghệ số dựa trên chuẩn mở. Không chỉ là cam kết mà đây còn là chiến lược "Mở để phát triển và làm chủ công nghệ Việt Nam", để Make in Viet Nam. Trên tinh thần đó, năm 2021 hứa hẹn là một năm phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam, một năm với nhiều và rất nhiều sản phẩm Make in Viet Nam.

Có thể bạn quan tâm