Thông qua việc sử dụng các công nghệ thông minh, phân tích dữ liệu và sự xuất hiện của các tác nhân cũng như mô hình kinh doanh mới, logistics thông minh đang phát triển thành các quy trình tự kiểm soát linh hoạt, giá thành thấp, phi tập trung, nhận thức thông tin trong thời gian thực. Mục tiêu của logistics thông minh là hướng tới sự hợp tác minh bạch, sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận trong tổ chức cũng như các đối tác nhằm đáp ứng mong đợi của khách hàng.
Vấn đề đặt ra, làm thế nào để các công ty tiến lên trên con đường số hóa hoạt động logistics? Các doanh nghiệp đang phải đối diện với các hiện trạng như thế nào, cơ hội, thách thức ra làm sao để có thể chuyển đổi kỹ thuật số trên toàn hệ thống logistics? Những câu hỏi đó chính là động lực để các chuyên gia tìm kiếm các giải pháp và lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số trong logistics.
Theo các chuyên gia về chuyển đổi kỹ thuật số - việc sử dụng các công nghệ mới, dịch vụ dựa trên dữ liệu, điều chỉnh phương pháp tổ chức, lãnh đạo và đổi mới sẽ kích hoạt sự thay đổi cách tạo giá trị trong các mạng lưới và cuối cùng sẽ dẫn đến sự thay đổi mô hình trong logistics.
Mời độc giả cùng Nhịp Sống Số tìm hiểu sâu về 4 yếu tố trọng tâm làm nên sự chuyển đổi kỹ thuật số của mạng lưới logistics tương lai.
Công nghệ
Công nghệ là một hạng mục quan trọng của chuyển đổi kỹ thuật số, nhưng ở nhiều quốc gia trên thế giới, 95% các công ty vẫn chưa nhận ra lợi ích đầy đủ của các công nghệ chuyển đổi kỹ thuật số cho mạng lưới logistics của họ.
Để nắm bắt những lợi ích tiềm năng của sự phát triển liên quan đến công nghệ đòi hỏi các công ty không chỉ tiếp thu và sử dụng các công nghệ đó - điều cần thiết là phải thực hiện các bước thu thập và trao đổi dữ liệu, lưu trữ và phân tích dữ liệu, và cuối cùng, trích xuất giá trị từ dữ liệu để kết nối các công nghệ như một công cụ để kích hoạt, ví dụ, các dịch vụ gia tăng dựa trên dữ liệu.
Trong các yếu tố chuyển đổi số cho logistics, khả năng hiển thị thời gian thực theo quy trình logistics là cơ sở cho các dịch vụ giá trị gia tăng bổ sung. Nhưng khả năng hiển thị thời gian thực chỉ phát huy hiệu quả rõ ràng nhất trong các công ty triển khai tốt việc này trên toàn hệ thống, và thường là các nhà cung cấp dịch vụ logistics(LSP – Logistics Service Provider) trong lĩnh vực bán lẻ.
Các chuyên gia cho rằng, việc đầu tư vào công nghệ là yếu tố quyết định quá trình chuyển đổi số. Nhưng dịch vụ cùng quy trình tiên tiến được kích hoạt bởi các công nghệ bổ sung giá trị cho khách cụ thể mới là giải pháp toàn diện cho chuyển đổi kỹ thuật số. Do đó, để có thể chuyển đổi kỹ thuật số trong lĩnh vực logistics, cần một giải pháp tổng thể về công nghệ bao gồm các năng lực:
Năng lực của công nghệ | Lợi ích có được | Phương pháp/ công nghệ tham chiếu |
Năng lực hiển thị theo thời gian thực | Được kích hoạt bởi nguồn dữ liệu chính, tích hợp với tất cả dữ liệu có liên quan và tự động lưu chuyển thông tin và hàng hóa theo thứ tự khách hàng và quy trình đổi mới tạo giá trị của các mạng lưới. | Nhận dạng, công nghệ thông tin và truyền thông |
Nhận thức | Được kích hoạt bởi trí tuệ nhân tạo, được định nghĩa là lý thuyết và sự phát triển của hệ thống máy tính có thể thực hiện các nhiệm vụ vốn đòi hỏi trí thông minh của con người. | Trí tuệ nhân tạo |
Tự động hóa | Chuyển các chức năng của quy trình đặt hàng (đặc biệt là các nhiệm vụ kiểm soát và thực thi quy trình) từ con người sang các hệ thống nhân tạo. | Xe tự hành, người máy |
Năng lực thích ứng | Là khả năng của một hệ thống để thích ứng nếu môi trường xung quanh thay đổi. | Dịch vụ điện toán đám mây thuê ngoài |
Dịch vụ dựa trên dữ liệu
Chuyển đổi kỹ thuật số có thể giúp các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ logistics thiết lập các KPI mới so với hoạt động truyền thống: Các ứng dụng hiển thị theo thời gian thực đảm bảo việc giao hàng trong cùng ngày hoặc cùng giờ; Các nhà bán lẻ cũng tích hợp các dịch vụ giao hàng nhanh hơn và phù hợp hơn; Hoạt động kho vận linh hoạt...
Khi các hệ thống logistics lấy khách hàng làm trung tâm cũng như kết nối toàn cầu, hồ sơ khách hàng cá nhân sẽ là một chìa khóa mở ra các cơ hội mới, các giải pháp mới về đóng gói và hợp tác. Trong tương lai, các nhà cung cấp dịch vụ logistics, nhà bán lẻ và ngành công nghiệp sẽ có thể cung cấp dịch vụ phù hợp cho khách hàng của họ dựa trên dữ liệu từ khách hàng. Điều kiện tiên quyết là làm chủ các phân tích chuỗi cung ứng - phải có dữ liệu để phân tích và tối ưu hóa các quy trình, từ mua sắm, lập kế hoạch nhu cầu, lập kế hoạch hoạt động và phân phối, cũng như logistics ngược lại.
Ví dụ, trong thương mại điện tử, dữ liệu mà các nhà bán lẻ trực tuyến thu được trở thành tài nguyên quý giá giúp các công ty hiểu rõ hơn về nhu cầu, thói quen của khách hàng để lên kế hoạch mua sắm hoặc dịch vụ hậu mãi. Họ có thể tạo đề xuất sản phẩm riêng cho khách hàng dựa trên lịch sử mua sắm của họ, hay thậm chí cung cấp dịch vụ vận chuyển hàng hóa theo dự đoán nhu cầu. Bằng cách này, các công ty có thể tạo ra một vòng khép kín các dịch vụ giá trị gia tăng và phân tích chuỗi cung ứng để liên tục cải thiện sản phẩm dịch vụ. Cùng đó, các công ty bán lẻ có thể lập kế hoạch nhu cầu, phân phối, mua sắm và logistics ngược (reverse logistics) cũng như hậu mãi và bảo trì sản phẩm, dịch vụ.
Cơ cấu lãnh đạo và tổ chức
Ngày nay, các nhà quản lý logistics đang phải đối mặt với nhiệm vụ phức tạp là quản lý và dẫn dắt các mạng lưới phân phối trên toàn cầu. Khi các hệ thống logistics và môi trường tương ứng trở nên phức tạp hơn và được kết nối toàn cầu, các nhà quản lý logistics có xu hướng trở thành các nhà quản lý chiến lược hệ thống.
Để có thể triển khai việc ra quyết định tự động trong hệ thống logistics, các nhà quản lý cần tập trung vào bốn chiến lược cụ thể: (1) CNTT cho phép làm việc phi tập trung; (2) Chiến lược thúc đẩy các đội phản ứng nhanh và độc lập; (3) Phân tích chuỗi cung ứng để hỗ trợ và đẩy nhanh các quyết định; (4) Tự do cho nhân viên để thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong công ty (ví dụ: Ngày FedEx tại Google).
Theo các chuyên gia, một số lượng lớn các doanh nghiệp có ba chiến lược đầu tiên đã hoạt động hoặc đang phát triển một dự án thí điểm về chuyển đổi số. Tuy nhiên, đối với chiến lược thứ tư (tự do cho nhân viên để thúc đẩy tinh thần kinh doanh trong công ty), vẫn còn nhiều dè dặt. Phân tích thực tiễn cho thấy, thúc đẩy tự do kinh doanh giúp phân biệt các công ty thực hành tốt nhất chuyển đổi số với các công ty khác. Điều này có thể đặc biệt quan trọng khi kết hợp với các chiến lược đổi mới mở.
Đổi mới mở
Các nghiên cứu cho thấy các doanh nghiệp truyền thống bị đe dọa bởi hai yếu tố: sự gia nhập thị trường của các đối thủ cạnh tranh mới hoặc bản thân doanh nghiệp không có số hóa trong lĩnh vực tự động và logistics.
Đáng nói, những đối thủ mới này không phải là các công ty logistics mà lại là các công ty có “lõi” công nghệ. Chẳng hạn, Google đang triển khai một hệ thống giao hàng tự điều khiển nhằm thâm nhập vào thị trường CEP (Courier, Express, And Parcel) với các xe tải nhỏ không người lái hoạt động như các trạm đóng gói di động. Amazon, ban đầu là một công ty thương mại, cũng đã chiếm lĩnh thị trường cung cấp dịch vụ logistics với sự trợ giúp của các cải tiến kỹ thuật như robot giao hàng và máy bay không người lái.
Hiện tượng này là ví dụ điển hình của một trong những tác động đáng kể của chuyển đổi kỹ thuật số: hội tụ đa lĩnh vực trong doanh nghiệp. Ranh giới truyền thống của các ngành và lĩnh vực riêng lẻ hiện đang mờ nhạt và bị chồng chéo đáng kể về thị trường mục tiêu, công nghệ sử dụng cũng như giá trị giải pháp. Giữa một môi trường ngày càng cạnh tranh, các công ty hoạt động trong các ngành riêng lẻ lại đòi hỏi phải nắm được chuyên môn trong nhiều lĩnh vực kiến thức và có các giải pháp liên ngành.