Chỉ 22% DN tại Việt Nam sẵn sàng để nắm bắt tiềm năng của AI

Tạp chí Nhịp sống số - Chỉ có 22% (so với mức 27% của năm ngoái) DN tại Việt Nam được xác định là đã hoàn toàn sẵn sàng để nắm bắt tiềm năng của AI, theo AI Readiness Index do Cisco công bố

Mặc dù có nhận thức về tiềm năng của AI rất sớm, song mức độ sẵn sàng triển khai và tận dụng các công nghệ trí tuệ nhân tạo của các DN tại Việt Nam đang có sự trồi sụt, cho thấy còn rất nhiều thách thức trong lĩnh vực này.

Chỉ số này dựa trên khảo sát “mù đôi” với 3.660 lãnh đạo phụ trách tích hợp và triển khai AI trong các DN quy mô 500 nhân viên trở lên tại 14 thị trường thuộc APAC, Nhật Bản và Trung Quốc (APJC).

Chỉ số đo lường trên 6 trụ cột: chiến lược, cơ sở hạ tầng, dữ liệu, quản lý, nhân tài và văn hoá.

Theo Chỉ số Sẵn sàng AI năm 2024 (AI Readiness Index 2024) do Cisco thực hiện và công bố mới đây, chỉ có 22% các tổ chức tại Việt Nam đã hoàn toàn sẵn sàng triển khai và tận dụng các công nghệ AI, giảm so với mức 27% của năm ngoái.

Theo Cisco, sự suy giảm này nhấn mạnh những thách thức mà các công ty phải đối mặt trong việc áp dụng, triển khai và khai thác tối đa AI. Với sự phát triển nhanh chóng của thị trường và tác động đáng kể mà AI dự kiến sẽ đem lại đối với các hoạt động kinh doanh, khoảng cách về mức độ sẵn sàng này trở nên đặc biệt quan trọng.

Cần một "tầm nhìn" và góc tiếp cận phù hợp

AI đã trở thành nền tảng cho chiến lược kinh doanh và các công ty ngày càng cảm thấy cấp thiết trong việc áp dụng và triển khai công nghệ AI. Tại Việt Nam, 100% các công ty đều báo cáo rằng nhu cầu triển khai AI ngày càng tăng trong năm qua, chủ yếu đến từ sự thúc đẩy của CEO và ban lãnh đạo.

Bên cạnh đó, các công ty đang cam kết một nguồn lực lớn cho AI, với 48% công ty báo cáo rằng có tới 10% đến 30% ngân sách CNTT của họ được phân bổ cho việc triển khai AI. Tuy nhiên, AI Readiness Index 2024 chỉ rằng đang có những khoảng trống về sự sẵn sàng của cơ sở hạ tầng: hiệu suất mạng trung tâm dữ liệu, an ninh mạng, các yếu tố khác... Chỉ có 38% tổ chức có GPU cần thiết kể đáp ứng nhu cầu AI hiện tại lẫn trong tương lai và 39% có khả năng bảo vệ dữ liệu trong các mô hình AI với mã hoá từ đầu đến cuối, kiểm toán bảo mật, giám sát liên tục và phản ứng tức thời với các mối đe doạ tiềm ẩn.

Cùng đó, mặc dù đã đầu tư đáng kể vào AI trong các lĩnh vực chiến lược như an ninh mạng, cơ sở hạ tầng CNTT, phân tích và quản lý dữ liệu, nhiều công ty báo cáo rằng lợi nhuận từ các khoản đầu tư này không đáp ứng được kỳ vọng của họ. Theo đó, 48% các tổ chức phân bổ từ 10-30% ngân sách CNTT của họ cho các dự án AI. Các khoản đầu tư cho AI tập trung vào 3 lĩnh vực chiến lược, bao gồm: An ninh mạng (59% công ty đã triển khai đủ/nâng cao), Cơ sở hạ tầng CNTT (58%), và Quản lý dữ liệu (55%). Ba mục tiêu hàng đầu mà họ hướng tới là cải thiện tính hiệu quả của hệ thống, quy trình, vận hành, và lợi nhuận; khả năng đổi mới và duy trì tính cạnh tranh; tạo ra trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng và đối tác.

Chỉ 22% DN tại Việt Nam sẵn sàng để nắm bắt tiềm năng của AI
Mức độ sẵn sàng tổng thể của DN Việt Nam trong tương quan khu vực APJC

Điểm "lấn cấn" của các DN là mặc dù đầu tư ngày càng nhiều, nhưng một số công ty cho biết họ không thấy có lợi ích hoặc lợi ích không đạt được như kỳ vọng của họ trong việc tăng cường, hỗ trợ hoặc tự động hoá các quy trình hay việc vận hành hiện tại.

Theo ông Nguyễn Như Dũng - Giám đốc điều hành khu vực Việt Nam, Campuchia và Lào của Cisco, khi các công ty đẩy nhanh hành trình AI, điều quan trọng là họ phải áp dụng phương pháp tiếp cận toàn diện khi triển khai và kết nối các điểm để liên kết tham vọng AI với sự sẵn sàng.

"Chỉ số Sẵn sàng AI năm nay cho thấy để tận dụng tối đa tiềm năng của AI, các công ty cần phải có một cơ sở hạ tầng số hiện đại có khả năng đáp ứng nhu cầu về năng lượng đang ngày càng gia tăng và các yêu cầu về độ trễ mạng cho các khối lượng công việc xử lý AI ngày càng lớn. Điều này phải được hỗ trợ bằng một tầm nhìn đúng để đạt được các mục tiêu kinh doanh", ông Nguyễn Như Dũng nói.

Tìm cách lấp đầy các "khoảng trống"

Khoảng 72% các công ty báo cáo rằng CEO và ban lãnh đạo đang thúc đẩy việc triển khai AI, theo sau là các đối thủ cạnh tranh và các công ty cùng trong lĩnh vực (49%) và hội đồng quản trị (42%). Qua thời gian, các doanh nghiệp tại Việt Nam đang đẩy nhanh nỗ lực và tăng đầu tư để vượt qua các rào cản và nắm bắt quá trình chuyển đổi bởi AI.

Đáng chú ý, 22% các tổ chức có kế hoạch phân bổ nhiều hơn 40% ngân sách CNTT để đầu tư vào AI trong vòng 4 đến 5 năm tới, tăng mạnh so với tỷ lệ 4% các công ty thời điểm hiện tại có mức đầu tư tương tự.

Tại Việt Nam, 63% các công ty đánh giá việc cải thiện khả năng mở rộng, tính linh hoạt và khả năng quản lý đối với cơ sở hạ tầng CNTT là ưu tiên hàng đầu của họ và nhấn mạnh nhận thức về những khoảng trống cần được lấp đầy để cải thiện mức độ sẵn sàng cho AI nói chung. Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng của Cơ sở hạ tầng để hỗ trợ các sáng kiến AI đã giảm với 65% các tổ chức Việt Nam được xếp vào nhóm Pacesetters (chuẩn bị đầy đủ) hoặc Chasers (chuẩn bị ở mức độ trung bình), giảm 1% so với một năm trước

Bất chấp những thách thức riêng biệt ở mỗi trụ cột, một vấn đề chung đã xuất hiện - đó chính là thiếu nhân tài có kỹ năng. Các công ty nhấn mạnh đây là thách thức lớn nhất họ phải đối mặt ở mọi lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, dữ liệu và quản trị, nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết đối với các chuyên gia có kỹ năng để thúc đẩy các sáng kiến AI.

Bà Anupam Trehan - Phó Chủ tịch phụ trách Con người và Cộng đồng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, Nhật Bản và Trung Quốc (APJC) của Cisco - cho biết: "Khi cuộc đua ứng dụng AI tăng tốc, nhân tài sẽ là yếu tố tạo nên sự khác biệt chính cho các công ty. Tình trạng thiếu nhân tài trong nhiều khía cạnh của AI cho thấy các DN cần đầu tư vào nhóm nhân tài hiện có của mình để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng. Đồng thời, tất cả các bên liên quan - bao gồm khu vực tư nhân và khu vực công, các tổ chức giáo dục và chính phủ - phải cùng nhau hợp tác để phát triển nhân tài trong nước nhằm giúp toàn bộ hệ sinh thái được hưởng lợi từ tiềm năng của AI mang lại".

Có thể bạn quan tâm

Ngày 13/11/2024, Airbus đã công bố dự báo thị trường khu vực mới nhất, trong đó ngành hàng không khu vực Châu Á-Thái Bình Dương sẽ cần 19.500 máy bay mới trong 20 năm tới. Con số này chiếm 46% nhu cầu toàn cầu, dự kiến sẽ đạt khoảng 42.430 máy bay mới vào năm 2043.