Chiến lược giúp Apple chiếm thị phần Android

Tạp chí Nhịp sống số - Apple thể hiện rõ chiến lược giúp người dùng có lý do để gắn kết với điện thoại cũ, đồng thời tạo ra một hệ sinh thái khiến họ khó rời bỏ.

Hằng năm, các hãng sản xuất điện thoại đều tung ra những sản phẩm mới với hàng loạt nâng cấp để thu hút người dùng. Trước giai đoạn cả thế giới bị ảnh hưởng bởi Covid-19, một số báo cáo từ các công ty nghiên cứu thị trường cho thấy chu kỳ thay smartphone thường là 2 năm. Nhưng trong và sau đại dịch, quãng thời gian này có xu hướng kéo dài ra, đồng thời ghi nhận sự đi lên của mảng tiêu dùng, kinh doanh thiết bị cũ. Apple với iPhone chạy iOS và các nhà sản xuất điện thoại Android đều nằm chung trong bức tranh đó.

Chiến lược kinh doanh Apple

Hiện nay, smartphone cũ trở thành sản phẩm gắn bó với người dùng lâu hơn trước và thường được qua tay, đổi chủ để tối ưu về mặt kinh tế. Điện thoại đời mới thường đắt đỏ, nhưng cũng bền hơn so với trước đây và công nghệ trên smartphone đã gần tới ngưỡng bão hòa khi các tính năng hiện đại không có nhiều tính ứng dụng thực tế.

Chính sách cho điện thoại cũ

Theo báo cáo từ WSJ, người tiêu dùng Mỹ đang chuộng các thiết bị cũ, đã qua sử dụng hoặc chọn mua hàng tân trang được nhà sản xuất tái cung cấp ra thị trường. Quý 2/2022, lần đầu tiên số lượng iPhone tại thị trường này vượt mốc 50% (theo Counterpoint Research), tức lớn hơn Android và tới cuối năm, tỷ lệ này tăng lên 52,5%.

Đáng nói, tăng trưởng đó không đến từ việc kinh doanh các sản phẩm mới của Apple, mà bắt nguồn bởi chính sách hãng áp dụng cho những thiết bị đã cũ. Năm 2022, "táo khuyết" vẫn cập nhật phần mềm cũng như các bản vá bảo mật cho iPhone ra đời từ năm 2017, điều mà không nhà sản xuất smartphone chạy Android nào làm được hiện nay.

Trải qua 5 năm tuổi hoặc thậm chí hơn, những chiếc iPhone đủ đáp ứng nhu cầu của người dùng và gần như chỉ thay thế pin hoặc một vài chi tiết không quá quan trọng. Dữ liệu nghiên cứu thị trường chỉ ra rằng iPhone vẫn hoạt động ổn định và thường có ít nhất 3 đời chủ trước khi bị loại bỏ.

Thói quen giữ điện thoại cũ để sử dụng dường như được hỗ trợ bởi các nhà mạng khi doanh nghiệp viễn thông thường xuyên hạ giá thiết bị mới nếu chủ thuê bao đổi model cũ và gia hạn hợp đồng.

Chiến lược "dài hơi"

Apple không đột ngột vươn lên chiếm thị phần lớn ở quê nhà, mà đó là kết quả của một chiến lược áp dụng lâu dài. Theo chuyên gia phân tích công nghệ Carolina Milanesi tại công ty Creative Strategies, Apple đã xây dựng "cả một hệ sinh thái" bao gồm các sản phẩm tương thích và phụ thuộc lẫn nhau để giữ chân người dùng.

Chủ sở hữu iPhone sẽ sớm nhận ra trải nghiệm âm nhạc trên AirPods thuận tiện tới mức nào, và cách máy tính Mac, iPad, Apple Watch đồng bộ, tương hỗ cho nhau trong tác vụ hằng ngày được vị chuyên gia ví như "một khu vườn có tường bao quanh" khiến người dùng gắn bó thêm với thương hiệu.

Apple cũng thành công trong việc "cao cấp hóa" thiết bị - một chiến lược giúp công ty tìm được cách đưa ra sản phẩm đắt hơn nhưng vẫn khiến người tiêu dùng đồng ý chi trả. Mùa mua sắm cuối năm 2022, giá trung bình của iPhone mới đã vượt 900 USD, cao nhất lịch sử và chênh hơn gần 10% so với năm trước.

Trong đó, iPhone 14 Pro Max có giá 1.599 USD vẫn bán rất chạy nhưng số người chê thiết bị này đắt lại "không thấm vào đâu" so với lượng khách hàng sẵn sàng chi tiền. Kết quả, model này liên tiếp cháy hàng.

Bán dịch vụ để giữ chân khách cũ, hút khách mới

Công ty nghiên cứu thị trường IDC ước tính năm 2022 có 283 triệu điện thoại qua sử dụng/tân trang bán ra toàn cầu, bằng gần 1/5 số máy tiêu thụ trên thế giới. Hãng dự báo tới năm 2026, con số này đạt khoảng 415 triệu thiết bị, tương đương tốc độ tăng trưởng gần 14%/năm, cao gấp 4 lần doanh số điện thoại mới. Còn theo công ty phân tích công nghệ CCS Insight, iPhone đã chiếm hơn 80% thị trường điện thoại đã qua sử dụng.

Chiến lược giúp Apple chiếm thị phần Android
Apple cung cấp hàng loạt dịch vụ tối ưu cho hệ sinh thái của hãng và thu khoản tiền không nhỏ từ đó

Nhưng sự bùng nổ của xu hướng tiêu dùng thiết bị qua sử dụng không làm Apple lo lắng cho số phận của những chiếc iPhone mới ra mắt hằng năm. Hãng đang là nhà sản xuất có số lượng máy cũ hoạt động trên thị trường nhiều hàng đầu thế giới, mở ra cơ hội cho một mảng kinh doanh khác: dịch vụ và phần mềm.

Quý trước, Apple đạt mức doanh thu dịch vụ kỷ lục 20,8 tỉ USD. Một phần không nhỏ trong số này là người dùng thuê bao trả phí theo tháng cho các dịch vụ như iCloud, Music của chính hãng cung cấp. Thực tế, nhóm khách hàng này mang lại 17% tổng doanh thu cho Apple trong giai đoạn trên. Tỷ suất lợi nhuận trên dịch vụ cũng cao hơn nhiều lần so với việc kinh doanh thiết bị phần cứng.

Không chỉ thu tiền mạnh mẽ từ các dịch vụ, tiện ích kèm theo cho người dùng thiết bị của mình, Apple còn có một khoản lợi nhuận không nhỏ từ "hoa hồng" do các bên thứ ba phải trả cho giao dịch mua bán phát sinh trong hệ sinh thái của hãng. Lượng người dùng khổng lồ (cả thiết bị cũ lẫn mới) nhờ đó tiếp tục là "mỏ vàng" cho "táo khuyết".

 

Có thể bạn quan tâm