Chiến lược thương hiệu cho Startup: Muốn xây nhà cao, phải đặt móng chuẩn!

Tạp chí Nhịp sống số - Với nguồn lực giới hạn, cùng các đặc thù riêng về sản phẩm - dịch vụ, quy mô doanh nghiệp, làm thế nào để các startup xây dựng chiến lược thương hiệu phù hợp?

Chiến lược thương hiệu có lẽ là một cụm từ quá xa xỉ với nhiều startup, khi mà họ còn đang đặt những bước đầu tiên trên hành trình rất dài hướng tới thành công. Nhất là khi nhìn vào "lời nguyền" nghiệt ngã đã được đúc kết từ nhiều báo cáo và các chương trình khảo sát về startup, rằng cứ 10 người khởi nghiệp thì chỉ có 1 người thành công.

Vậy tại sao phải sớm có Chiến lược thương hiệu?

Thực tế cho thấy, nhiều nhà khởi nghiệp - đặc biệt là các bạn trẻ - thường dành nhiều thời gian cho việc chọn HƯỚNG PHÁT TRIỂN. Sau khi ý tưởng thành hình, hay sau khi có một vài sản phẩm bước đầu mang lại doanh thu và thành tựu, mối quan tâm lớn nhất của họ sẽ là sẽ phát triển theo hướng nào đây?

Chính sự "loay hoay" với con đường, mục tiêu phía trước như vậy khiến họ sao nhãng hoặc không biết mình nên bắt đầu từ đâu và như thế nào để xây dựng chiến lược thương hiệu. Càng không biết, làm sao để vừa xây dựng thương hiệu vừa đưa doanh nghiệp tiến xa hơn xuất phát điểm ban đầu chỉ là một sản phẩm/ dịch vụ đơn lẻ hay một cửa hàng kinh doanh online...

Chiến lược thương hiệu cho Startup
Thị trường càng lúc càng khó, gọi vốn càng lúc càng "mệt", vì sao phải sớm có chiến lược thương hiệu? 

Tại sao phải sớm có Chiến lược thương hiệu? Đặt câu hỏi này trong bối cảnh hậu Covid-19, cùng với những biến động lớn tác động tiêu cực lên nền kinh tế toàn cầu, chúng ta có thể thấy độ khó của "game" đã tăng lên gấp bội. Các tiêu chí điều kiện giải ngân của các quỹ đầu tư thắt chặt hơn, trong khi khó khăn chung của thị trường khiến doanh thu của các startup cũng "còi cọc" theo. Câu chuyện lúc này là các doanh nghiệp startup phải chứng minh với đối tác, cộng đồng và các quỹ đầu tư về khả năng hồi phục và tăng trưởng doanh thu, về định hướng "đường dài" đầy triển vọng sau này.

Trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư vào thị trường có sự phân hóa rất rõ nét: tập trung nhiều vào những lĩnh vực thiết yếu, ưu tiên các sản phẩm có sự sáng tạo đột phá... chứ không chỉ dàn trải vào các ý tưởng kinh doanh có triển vọng như trước, càng là lúc các startup phải sớm xây dựng chiến lược thương hiệu song hành với chiến lược kinh doanh và thực hiện nó. 

Theo các chuyên gia nhận định, hiệu suất đầu tư của các quỹ vào startup trong năm 2022 sẽ thấp hơn so với năm 2021. Còn với 2023, câu chuyện càng lúc càng "chặt" hơn. 

Để quản trị rủi ro, các quỹ phải trích lập dự phòng, rút tiền mặt về nhiều hơn tỷ lệ đầu tư, cân nhắc chặt chẽ mỗi khi "xuống tiền" để chọn những startup thực sự xứng đáng.

Đấu pháp "chia để trị" 

Với xu hướng này, Ths. Nguyễn Hương Giang - Chuyên gia tư vấn và đào tạo về Truyền thông và Thương hiệu - cho rằng, đấu pháp hợp lý cho các startup chính là "chia để trị". 

Ths Nguyễn Hương Giang nói về Chiến lược thương hiệu
"...Thực tế, chiến lược thương hiệu cũng gắn liền với chiến lược phát triển doanh nghiệp, chiến lược phát triển sản phẩm - dịch vụ của công ty" - Ths. Nguyễn Hương Giang trong một buổi đào tạo về Truyền thông cho giáo viên các trường nghề

Theo đó, vị chuyên gia về Truyền thông và Thương hiệu này nhắc đến một "bệnh" chung của các startup. Đó là quan niệm: "Vốn nhỏ, lực yếu, nên cứ làm tốt sản phẩm đã, cứ bán đã. Mọi chuyện tính sau".

"Nhưng đến một ngày, khi sản phẩm của bạn đã có được thị phần nho nhỏ trên thị trường, thương hiệu bắt đầu được biết đến, khi khách hàng của bạn ngày càng đông đúc hơn... rồi bạn chuyển từ cửa hàng kinh doanh online sang chuỗi các cửa hàng offline với số lượng nhân viên cũng tăng theo. Lúc đó, bạn nhìn xung quanh rồi thấy cần phải thay đổi, cần phải đầu tư: nào là xây dựng thương hiệu, nào là truyền thông, rồi thì tiếp thị, chăm sóc khách hàng... Chỉ cần tưởng tượng thôi đã mệt, khi mà bạn sẽ phải quay cuồng với các quy trình, rồi đào tạo nhân viên, rồi đầu tư cho tất cả những thứ đó", Ths. Nguyễn Hương Giang cho biết. 

Chiến lược kinh doanh phản ánh ưu tiên của doanh nghiệp trước các lựa chọn khác nhau về phân khúc thị trường, đặc tính sản phẩm, giá cả, kênh phân phối, hay thông điệp thương hiệu... Chiến lược thương hiệu là sự song hành, diễn giải và thực hiện ý chí đó! 

Để không bị sa vào chiếc bẫy khổng lồ rối ren của tương lai khi nguồn lực có hạn, cũng như giảm thiểu rất nhiều sự hoang mang trên bước đường khởi nghiệp, các doanh nghiệp startu[ cần biết cách xây dựng một CHIẾN LƯỢC THƯƠNG HIỆU của mình.

"Và thực tế, chiến lược thương hiệu này cũng gắn liền với chiến lược phát triển doanh nghiệp, chiến lược phát triển sản phẩm - dịch vụ của công ty, nên sẽ không bị coi là "lo xa, lo thừa" như nhiều người lầm tưởng", chuyên gia này khẳng định. 

Hai từ "chiến lược" nghe có vẻ hơi cao sang và dễ gây hoang mang về một sự tốn kém về chi phí và thời gian, hay đòi hỏi phải bài bản khó thực hiện. Nhưng thực ra, nó không đáng sợ đến thế.

Theo Ths. Nguyễn Hương Giang, cần hiểu CHIẾN LƯỢC đơn giản là các bước sau: Bước 1, xác định được các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn cho thương hiệu (gắn với mục tiêu phát triển doanh nghiệp, phát triển sản phẩm - dịch vụ. Bước 2, xác định các giải pháp và lập kế hoạch để từng bước thực hiện các mục tiêu đó, theo lộ trình phát triển phù hợp với điều kiện tài chính, thời gian, ngành hàng, nguồn lực... của doanh nghiệp. 

Trong quá trình thực hiện từng bước đi ngắn đó, bạn chắc chắn sẽ phải điều chỉnh các giải pháp, thậm chí là điều chỉnh cả kế hoạch. Nhưng không sao, đó là bước "kiểm tra lại và cải tiến" mà quy trình nào cũng cần phải có.

Hãy tiến từng bước chậm và chắc như thế để thương hiệu song hành cùng quy mô phát triển và tăng trưởng doanh thu!

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.