Chuyển đổi số trong Nông nghiệp: Bộn bề "đất vỡ hoang"

Chuyển đổi số trong Nông nghiệp: Bộn bề
Tạp chí Nhịp sống số - Nông nghiệp Là một trong 8 lĩnh vực được ưu tiên chuyển đổi số (CĐS), nhưng đến nay việc triển khai vẫn còn hạn chế. Phiên Hội thảo "CĐS trong ngành Nông nghiệp" sẽ cập nhật thực trạng, chia sẻ kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp CĐS cho lĩnh vực này

Theo Quyết định 749/QĐ-TTg của Thủ tướng chính phủ về phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nông nghiệp là 1 trong 8 lĩnh vực được ưu tiên thực hiện chuyển đổi số. Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo hướng hiện đại, giá trị gia tăng cao và bền vững, khẳng định vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế, trở thành “thước đo mức độ bền vững của quốc gia”.

Cùng đó, đây cũng được coi là phương thức để thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thông minh, nông thôn hiện đại, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong chuỗi sản xuất, chế biến, thị trường và nền kinh tế.

Nhìn lại Giai đoạn 2016 - 2020, khoa học và công nghệ trong nông nghiệp, nông thôn tiếp tục phát triển, là giải pháp đột phá về năng suất, chất lượng và nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng thời tạo 3 trục sản phẩm đảm bảo chất lượng, ATTP; phát triển theo hướng nông nghiệp xanh, sạch, nông nghiệp thông minh. Nhiều sản phẩm chủ lực cấp quốc gia, cấp tỉnh có hàm lượng khoa học công nghệ cao được áp dụng từ khâu sản xuất giống, nuôi trồng, chế biến như tôm, cá tra, sản phẩm gỗ…; Việc sử dụng internet đã giúp đơn giản hóa và hợp lý hóa việc thu thập, các khâu kiểm tra, phân phối tổng thể tài nguyên nông nghiệp; Các chương trình, phần mềm quản trị vườn trồng, nông nghiệp chính xác được áp dụng nhằm tối ưu hóa việc sử dụng tài nguyên (nước, phân bón…) để dần chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết, kiểm soát dịch, bệnh và công tác giống được thực hiện tốt hơn.. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, tiêu biểu như việc hình thành hệ thống các cơ sở dữ liệu, thông tin thống kê phân tích, dự báo phục vụ quản lý ngày càng hoàn thiện, nâng cao chất lượng.

Cần thúc đẩy ứng dụng công nghệ để chuyển đổi từ nông nghiệp truyền thống sang nông nghiệp hiện đại, tạo ra nhiều cơ hội tăng năng suất lao động, giảm phụ thuộc vào điều kiện môi trường, thời tiết..

Tuy vậy, nhìn vào thực trạng hiện nay có thể thấy sản xuất nông nghiệp Việt Nam còn manh mún, nhỏ lẻ, chưa hiện đại. Việc ứng dụng công nghệ 4.0, chuyển đổi số trong nông nghiệp còn hạn chế.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao Chuyển đổi số Việt Nam (Vietnam DX Summit 2021), phiên thảo luận chuyên đề về Chuyển đổi số trong Nông nghiệp sẽ đề cập sâu hơn đến vấn đề này, không chỉ cập nhật hiện trạng mà còn chia sẻ các kinh nghiệm, đề xuất các giải pháp nhằm hướng tới xây dựng nền Nông nghiệp công nghệ cao, tăng tỷ trọng của nông nghiệp công nghệ số trong nền kinh tế.

Mời độc giả và quý vị quan tâm đến chủ đề này theo dõi phiên thảo luận trực tuyến này

Có thể bạn quan tâm