Kể từ năm 2020, Việt Nam đã được xem là một trong những quốc gia đầu tiên thí điểm và ứng dụng 5G. Điều này có thể trở thành hiện thực là nhờ vào tầm nhìn của Chính phủ. 4G và 5G sẽ là dòng chủ lưu về công nghệ trong những năm tới đây. Trong đó, tỷ lệ sử dụng 4G sẽ giảm và 5G ngày một tăng dần. Xu thế của các nước trong khu vực là loại bỏ 2G và 3G để nhường dải tần số cho 4G và 5G.
Đến nay, Việt Nam đã thử nghiệm công nghệ 5G ở 55 tỉnh, thành phố trên cả nước. Lãnh đạo Bộ TT&TT đã chỉ rõ, năm 2024 sẽ là năm Việt Nam thương mại hóa, phát triển 5G trên phạm vi toàn quốc để tạo ra hạ tầng cho các ứng dụng số công nghiệp.
Cho biết việc cấp phép tần số bằng hình thức đấu giá không phải là chính sách mới hoàn toàn mà đã được quy định trong Luật Tần số vô tuyến điện năm 2009, ông Đoàn Quang Hoan phân tích, việc này nhằm 2 mục tiêu: Minh bạch hóa quy trình cấp phép tần số quý hiếm và thu tiền sử dụng tài nguyên cho ngân sách.
“Mục tiêu quan trọng nhất là minh bạch quy trình để cấp phép sử dụng cho những doanh nghiệp đủ năng lực sử dụng hiệu quả tài nguyên quý hiếm này, đảm bảo cho thị trường thông tin di động phát triển tốt và cạnh tranh lành mạnh”, ông Đoàn Quang Hoan nêu quan điểm.
Tổng Thư ký Hội Vô tuyến điện tử Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện Đoàn Quang Hoan cũng cho hay, để đạt được mục tiêu quan trọng nêu trên, trước hết Nhà nước nên quy hoạch để có từ 3 - 4 khối tần số ở mỗi đoạn băng tần thấp, trung bình và cao cho thị trường. Việc đấu giá nên thực hiện đồng thời cho các khối trong mỗi đoạn băng tần. Điều này đảm bảo để các doanh nghiệp lớn đang cạnh tranh trên thị trường có được cơ hội và điều kiện cạnh tranh bình đẳng.
Mặt khác, theo phân tích của ông Đoàn Quang Hoan, làm như vậy cũng tránh được việc đẩy giá tần số lên quá cao, nếu đấu giá và cấp phép 1 khối tần số 5G trong khi các khối khác chưa sẵn sàng. Thế giới đã có bài học về giá tần số khi đấu giá tần số cho 3G đầu những năm 2000. Nhiều nhà mạng không còn khả năng đầu tư mạng lưới sau khi thắng đấu giá tần số.
Thông tin về kế hoạch đấu giá tần số cho 5G của Việt Nam, bà Vũ Thu Hiền, Trưởng phòng Chính sách và Quy hoạch tần số, Cục Tần số vô tuyến điện khẳng định: Hiện tại, các quy định pháp luật để triển khai đấu giá tần số 5G đã đầy đủ và hoàn thiện.
Bộ TT&TT dự định sẽ đấu giá trước băng tần tầm trung cho 5G và hiện nay Cục Tần số vô tuyến điện đang triển khai. “Dự kiến tháng 1/2024, Bộ TT&TT sẽ công bố phương án tổ chức đấu giá băng tần để các doanh nghiệp nắm bắt và tham gia. Hy vọng cuộc đấu giá sẽ thành công tốt đẹp và kết thúc vào cuối tháng 2, đầu tháng 3/2024”, bà Vũ Thu Hiền thông tin thêm.
Nói thêm về lý do lựa chọn đấu giá trước với băng tần tầm trung, bà Vũ Thu Hiền cho hay: Giai đoạn đầu triển khai 5G, băng tần tầm trung là băng tần quan trọng nhất, sẽ giúp bổ trợ, giảm tắc nghẽn cho 4G. Cũng vì lý do này, Hiệp hội Di động toàn cầu cũng đã thống kê và đánh giá có 71% các mạng 5G trên thế giới đã triển khai ở băng tần tầm trung.
Cũng theo đại diện Cục Tần số vô tuyến điện, sau khi đấu giá xong băng tần tầm trung, Bộ TT&TT sẽ đánh giá nhu cầu của thị trường để thực hiện việc đấu giá tiếp các băng tần khác. Quy hoạch hiện đã xác định các băng tần khác cho 5G, ví dụ như băng tần thấp 700MHZ hay băng tần cao 26GHZ, sẽ là những băng tần trong tương lai Việt Nam được xem xét để cấp phép cho 5G.
Chia sẻ mục tiêu đặt ra trong lần đấu giá tần số cho 5G sắp tới, bà Vũ Thu Hiền nhấn mạnh: Mục tiêu chính là để Việt Nam sớm có được băng tần 5G, cho phép các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ di động băng rộng đến người dân, giúp cho việc phát triển hạ tầng số Việt Nam.
“Việc cấp phép bằng hình thức đấu giá cũng hướng tới bảo đảm tính cạnh tranh của cuộc đấu giá, đồng thời bảo đảm tạo lập được một thị trường viễn thông di động hài hòa, cạnh tranh và phát triển bền vững”, bà Vũ Thu Hiền thông tin thêm.