Mới đây, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số - đã chủ trì Phiên họp lần thứ 6 của Ủy ban và Tổ công tác triển khai Đề án 06 của Chính phủ; Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2023 về chuyển đổi số và Đề án 06 của Chính phủ.
Hội nghị đã đánh giá các công việc làm được, ghi nhận những chuyển biến mới, những kết quả tích cực từ Đề án cũng như những vấn đề bất cập, những bài học kinh nghiệm... để Đề án được thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo: "6 tháng qua đã có bước tiến quan trọng, 6 tháng tới đây phải làm tốt hơn. Năm 2023 phải có kết quả cao hơn năm 2022, đó là tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Do đó, chuyển đổi số phải đi trước, đi sớm...".
"Muốn phục vụ con người tốt phải có cơ sở dữ liệu tốt"
Phát biểu ý kiến khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Chuyển đổi số được cả thế giới hiện nay tích cực thực hiện; chúng ta nhận thức chuyển đổi số là việc làm mới, khó, nhạy cảm, đòi hỏi phải có nguồn lực, trí tuệ, thời gian và các điều kiện cần thiết khác. Đảng, Nhà nước ta đã chỉ đạo, lãnh đạo và đưa chuyển đổi số vào cả Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng để triển khai; sau đó, Chính phủ và các bộ, ngành; đặc biệt, Bộ Công an đã tích cực triển khai cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư... Thời gian qua, chúng ta đã triển khai tích cực để phục vụ con người. Trong quá trình phát triển đất nước, chúng ta luôn lấy con người là trung tâm, chủ thể, mục tiêu, nguồn lực, động lực cho sự phát triển. Chúng ta muốn phục vụ con người tốt phải có cơ sở dữ liệu tốt và chúng ta đang triển khai đúng hướng, đúng trọng tâm, trọng điểm.
Sau bước đầu triển khai, Đề án 06 đã có nhiều bước chuyển mới, ghi nhận những kết quả tích cực. Để nhân rộng, thúc đẩy việc triển khai Đề án 06 đi sâu vào cuộc sống người dân, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhận định: “Để phục vụ con người, chúng ta phải có các dữ liệu, tham số của con người, trên cơ sở đó, tiến hành cải cách thủ tục hành chính, nâng cao môi trường cạnh tranh, khả năng cạnh tranh quốc gia. Từ chủ trương, kế hoạch, dự án, bố trí nguồn lực, con người để thực hiện chương trình này được thực hiện bài bản, tích cực. Năm nay là năm dữ liệu, do đó, các bộ, ngành, địa phương nào cũng phải cơ sở dữ liệu, nhưng chúng ta tích hợp để điều hành tốt, nhưng cũng phải phát triển cơ sở dữ liệu của từng bộ, ngành, địa phương”.
Tinh thần này của Thủ tướng đã được các đơn vị thực hiện và liên quan đến Đề án 06 tiếp thu. Trong đó, là một trong những đơn vị chủ chốt về giải pháp công nghệ, thấu hiểu thực trạng và bám sát mục tiêu triển khai Đề án 06, FPT đã đóng góp ý kiến tại Hội nghị.
Cụ thể, ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng giám đốc Tập đoàn FPT - đề xuất xây dựng và phát huy sức mạnh của cơ sở dữ liệu ở các tỉnh, thành phố theo ba nguyên tắc: Thứ nhất, hỗ trợ địa phương sử dụng tối đa, miễn phí tiện ích sẵn có của Đề án 06. Thứ hai, địa phương tạo dựng nền tảng ứng dụng sẵn có của doanh nghiệp. Thứ ba, đánh giá hiệu quả sử dụng của địa phương sau đó tư vấn xây dựng mới hoặc thuê dịch vụ của doanh nghiệp theo đúng quy định luật đấu thầu đầu tư. Từ đó, giúp lãnh đạo tỉnh, thành phố chỉ đạo tức thời bằng dữ liệu thời gian thực, nâng cao năng lực của chính quyền trong phục vụ người dân và doanh nghiệp.
Đánh giá hiệu quả của Đề án 06, đại diện Tập đoàn FPT khẳng định, thời gian qua, Đề án 06 mang lại nhiều thành tựu để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia. Lấy cơ sở dữ liệu dân cư làm gốc, Đề án 06 cung cấp nhiều dịch vụ thiết yếu cho người dân, được Lãnh đạo tỉnh, thành, địa phương tích cực ủng hộ.
Dữ liệu đúng - đủ - sạch - sống sẽ giúp các địa phương, bộ ngành chỉ đạo tức thời và hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Khoa - Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT cho biết: “Chuyển đổi số và tập trung dữ liệu để kiến tạo hạnh phúc cho cộng đồng. Cơ sở dữ liệu quốc gia là trái tim, các cơ sở dữ liệu địa phương là mạch máu. Trái tim đập giúp máu lưu thông. Những mạch máu cũng nuôi trái tim khỏe mạnh. Vì vậy, cần đưa ra được chỉ đạo tức thời bằng dữ liệu - giống như trái tim đập không nghỉ”.
Đồng hành tháo gỡ bài toán chuyển đổi số địa phương, FPT đề xuất xây dựng mô hình hạ tầng CNTT cấp tỉnh/thành phố giúp các lãnh đạo chỉ đạo tức thời bằng dữ liệu thời gian thực. Trong quá trình xây dựng hạ tầng CNTT cấp tỉnh, thành phố, FPT đề xuất thành lập đơn vị Trung tâm điều hành thông minh như một đơn vị hành chính trực thuộc UBND. Tại đây, kho dữ liệu tích hợp địa phương đóng vai trò thu thập, tích hợp và khai thác dữ liệu tạo nên nguồn tài nguyên khổng lồ cho quá trình chuyển đồi số theo nguyên tắc: đúng - đủ - sạch - sống. Hệ thống cơ sở dữ liệu được tích hợp, liên thông đa dạng từ nhiều nguồn như: Hệ thống thông tin chính quyền điện tử, hệ thống thông tin các chuyên ngành như y tế, giáo dục, giao thông,.. liên kết với cơ sở dữ liệu quốc gia. Trên cơ sở các nền tảng về Cloud, Big data, AI, tự động hoá, danh mục dữ liệu sẽ được đồng bộ chính xác, nhất quán, giúp lãnh đạo có thể nhanh chóng nắm bắt dữ liệu và chỉ đạo tức thời.
Riêng FPT đã đồng hành với hơn 30 tỉnh, thành phố triển khai giải pháp Công nghệ thông tin, mô hình tiện ích gắn với chủ trương Đề án 06. Hiện nay, Tập đoàn FPT có 30 mô hình tiện ích. Ngoài ra, FPT cùng các đơn vị xây dựng các giải pháp phù hợp với thế mạnh để tránh tình trạng trùng lặp, mang lại môi trường đầu tư tiết kiệm, hiệu quả cho chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, FPT đặc biệt coi trọng việc xây dựng cơ sở dữ liệu. Dựa trên thế mạnh về dữ liệu, sự thấu hiểu quy trình làm việc của cơ quan chính quyền, FPT thiết kế giải pháp giúp nâng cao năng suất lao động của cán bộ công chức, viên chức, tạo ra phúc lợi cho người dân. Nhờ vậy, người dân có cơ hội tiếp cận dịch vụ hành chính công nhanh chóng, thuận tiện.
Trong khuôn khổ sự kiện, FPT đề xuất 30 mô hình tiện ích cho người dân và doanh nghiệp. Với các giải pháp bao gồm: FPT.IDCheck, FPT.akaCam, Khaothi.Online, FPT.dCitizen, FPT.CA, FPT.dCitizen, FPT.LGSP, FPT.eLearning, FPT.AI,... giúp tỉnh thành khai phá và tận dụng tiềm năng dữ liệu, thay đổi phương thức kết nối giữa chính quyền và người dân để các hoạt động, dịch vụ thuận tiện hơn.
Thời gian vừa qua, FPT đồng hành cùng Trung tâm nghiên cứu - Ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (RAR) - Bộ Công an nghiên cứu, đưa tiện ích Đề án 06 vào cuộc sống. Trong thủ tục hành chính, 90% thủ tục hành chính tại 4 tỉnh (Hà Nội, Tây ninh, Quảng Ninh, Hải Phòng) thực hiện hoàn toàn online.