Điện toán đám mây - Thay đổi để thích nghi

Điện toán đám mây - Thay đổi để thích nghi
Tạp chí Nhịp sống số - Đại dịch COVID-19 buộc các doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình sản xuất theo hướng chuyển đổi số để sinh tồn và phát triển trong tình hình mới. Đó là "bầu trời rộng" để điện toán đám mây tăng trưởng và phát triển hơn nữa

Thị trường điện toán đám mây trên thế giới

Thị trường Cloud trên thế giới hiện nay đã và đang cho thấy mức tăng trưởng vô cùng ấn tượng dựa trên giá trị chi tiêu của các doanh nghiệp vào công nghệ này. Theo nghiên cứu của Synergy Research Group, chi tiêu của doanh nghiệp trong quý 3/2020 cho các dịch vụ cơ sở hạ tầng đám mây là khoảng 33 tỷ USD, tăng 33% so với quý 3/2019. Trong đó, Amazon và Microsoft tiếp tục chiếm hơn một nửa thị trường trên toàn thế giới. Cụ thể, AWS có khoảng 33% thị phần cơ sở hạ tầng đám mây, thị phần của Microsoft là hơn 18%. Nhìn chung, các nhà cung cấp hàng đầu hiện đang chiếm 80% thị trường toàn thế giới, 20% còn lại đến từ nhóm các nhà cung cấp dịch vụ đám mây khác.

Những con số tương tự cũng được chỉ ra trong nghiên cứu của Canalys.

Xếp hạng các nhà cung cấp dịch vụ Cloud từ quý 3/2019 đến quý 3/2020

Không phải ngẫu nhiên các nhà cung cấp dịch vụ như Amazon, Microsoft, Google lại chiếm thị phần lớn trên thị trường, bởi lẽ những giải pháp dịch vụ của họ đã giải quyết các vấn đề một cách hiệu quả đa khía cạnh và đa ngành. Điển hình như AWS cloud, đại dịch đã thay đổi cách mọi người tương tác, tiếp nhận thông tin, khách hàng của AWS đang sử dụng công nghệ máy học (ML) để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình chuyển đổi đó, từ các trung tâm liên hệ đám mây từ xa mới sang chatbot, sang các tương tác trực tuyến được cá nhân hóa hơn. Các công cụ ML như Amazon Lex và Amazon Connect là một trong những giải pháp giúp thúc đẩy sự thay đổi giao thức liên lạc từ xa với tốc độ, quy mô và độ chính xác cao hơn.

Doanh nghiệp Việt Nam và câu chuyện "thích nghi để sinh tồn"

Song hành với sự vân động và đổi mới liên tục về giải pháp trên thế giới, giai đoạn 2019-2021 cũng là giai đoạn cho thấy sự chuyển mình ấn tượng của công nghệ tại Việt Nam đặc biệt là với công cuộc số hóa của kinh doanh. Đại dịch COVID-19 buộc các doanh nghiệp phải thay đổi mô hình kinh doanh, mô hình sản xuất theo hướng chuyển đổi số để sinh tồn và phát triển trong tình hình mới. Trong đó, một trong những phương án mà các doanh nghiệp lựa chọn là chuyển đổi số với nền tảng hạ tầng điện toán đám mây. Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới chỉ ra vào 11/2020, tỷ lệ các doanh nghiệp ứng dụng và tăng cường công nghệ trong kinh doanh lên tới 50-60%. Cho đến nay, công nghệ điện toán đám mây đã phát triển mạnh mẽ và đa dạng hơn cả về sản phẩm lẫn chi phí; nhờ vậy, không chỉ các doanh nghiệp lớn mà cả các công ty nhỏ hay những startup mới thành lập đều có thể dễ dàng tiếp cận, ứng dụng và đạt được rất nhiều lợi ích từ công nghệ này.

Vấn đề số hóa nền kinh tế và ứng dụng công nghệ trong kinh doanh là xu thế tất yếu, nhưng sự ảnh hưởng từ đại dịch cũng phần nào tác động làm thay đổi hành vi mua sắm của người tiêu dùng từ mua bán trực tiếp sang trực tuyến. Bởi vậy, các nhà cung cấp dịch vụ cần tích hợp dữ liệu tự động để giải quyết vấn đề thanh toán và mua sắm trên các nền tảng thương mại điện tử. Điều này góp phần khiến nhu cầu sử dụng điện toán đám mây ngày càng tăng.

Để đáp ứng được nhu cầu trên cũng như gia tăng chất lượng trải nghiệm người dùng, một số công ty còn kết hợp tính năng thực tế ảo VR như giải pháp CMC Elastic, hay nhận diện tìm kiếm sản phẩm thông qua công nghệ AI như VCloud, Bizfly hay Viettel IDC,… Ví dụ như VCCorp – doanh nghiệp nội địa tiên phong ngành điện toán đám mây tại Việt Nam đã phát triển hạ tầng từ năm 2012. Ban đầu, công ty chỉ xây dựng giải pháp Private Cloud (Đám mây riêng tư), sau đó là Public Cloud (Đám mây công cộng) và đến thời điểm hiện tại cho ra đời Hybrid Cloud (Đám mây lai) cho phép kết nối cả dữ liệu cá nhân và dữ liệu mở. Hay như CMC mặc dù mới phát triển hạ tầng Cloud vào năm 2017 nhưng cũng cho thấy sức bật vượt trội của mình khi đã có ra đời giải pháp về Multi-cloud (Đa đám mây) cho phép kết nối với nhiều nền tảng dữ liệu khác nhau và CMC cũng là doanh nghiệp viễn thông duy nhất kết nối trực tiếp tới Cloud của AWS, Microsoft, và Google.

Những sự chuyển mình, thay đổi tích cực từ các nhà cung cấp dịch vụ trong và ngoài nước hứa hẹn sẽ giúp thị trường điện toán đám mây Việt Nam tiếp tục phát triển trong thời gian tới; là cơ sở để khung chính sách về điện toán đám mây tại Việt Nam có thể tiếp tục được xem xét để tạo ra môi trường thúc đẩy tiềm năng và năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây.

Tác giả: Nguyễn Anh Phương Linh, Trần Đăng Quang

Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS)

Có thể bạn quan tâm