"Nguy cơ 2 triệu" rình rập shipper trên các nẻo đường
Trước quy định giãn cách xã hội nhiều tỉnh, thành trên cả nước, các chốt chặn đã được lập ra để đảm bảo không lây lan dịch bệnh giữa các địa bàn. Điều này khiến lực lượng shipper tự do gặp khó khăn khi làm việc, đặc biệt là với mức phạt 2 triệu đồng cho người ra đường không có lý do chính đáng luôn "rình rập".
Qua phản hồi chung của những người giao hàng tự do này, bên cạnh nguy cơ dịch bệnh thì điều kiện làm việc bị hạn chế và những rủi ro khi đi qua chốt kiểm dịch khiến họ buộc phải ngừng hoạt động.
Được biết, từ tối 27/7, đại diện Grab đã thông báo nền tảng này đã dừng toàn bộ hoạt động giao nhận hàng hóa và đi chợ hộ tại Hà Nội trong thời gian giãn cách xã hội. Một số app vận chuyển khác, đơn cử như Ahamove vẫn thấy phục vụ, nhưng đặt đơn rất khó khăn.
Anh Đỗ Ngọc Lâm - một shipper tự do sống tại Hoàng Mai, Hà Nội - cho biết: "Ngay sau khi Hà Nội chính thức áp dụng giãn cách xã hội ngày 24/7 vừa qua, tôi và một số đồng nghiệp chỉ hoạt động thêm một hai ngày rồi buộc phải tắt app, tự nghỉ. Thà không có thu nhập còn hơn kiếm được mấy chục nghìn công vận chuyển lại bị phạt 2 triệu đồng từ các chốt kiểm soát dịch bệnh trên nhiều tuyến đường..."
Anh Lâm chỉ là một trong số hàng ngàn shipper buộc phải tắt app ngừng hoạt động trên địa bàn Hà Nội.
Tại đầu cầu khác của đất nước là thành phố Hồ Chí Minh, tình trạng tương tự cũng đã diễn ra. Điều này gây ra tình trạng thiếu hụt nhân sự giao hàng cho siêu thị và sàn thương mại điện tử - là các đơn vị đang cung cấp nhu yếu phẩm cho người dân toàn thành phố.
Tại Diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu sản phẩm trồng trọt trong điều kiện Covid-19 vào chiều ngày 29/7, ông Phạm Anh Tuấn - Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông đã khẳng định: “Tình hình càng căng, thắt chặt thì càng phải cho shipper hoạt động, nhưng cần quản lý chặt đội ngũ này. Tôi đề nghị các địa phương cần tạo điều kiện cho shipper hoạt động. Đó là shipper có sự quản lý và chịu trách nhiệm về phòng chống dịch của các doanh nghiệp như: Doanh nghiệp bưu chính, doanh nghiệp vận tải, doanh nghiệp công nghệ…”
Doanh nghiệp tìm cách "vượt khó" để đảm bảo hoạt động
Đại diện Viettel Post cho biết, theo định hướng và chỉ đạo từ Bộ Thông tin & Truyền thông, đơn vị này đã ngay lập tức triển khai kết nối với các siêu thị và cửa hàng thực phẩm tại tỉnh thành đang giãn cách xã hội, qua đó vận chuyển hàng hóa trong thời gian nhanh nhất, giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự giao hàng, đồng thời đảm bảo chuỗi cung ứng trọng yếu của cả thành phố.
Tại các địa phương cụ thể có những quy định riêng, Viettel Post cũng đã trang bị đầy đủ đồng phục nhận diện với thông tin nhân viên được mã hóa trong ứng dụng riêng biệt cho đội ngũ nhân viên bưu tá, tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý hành trình của các cơ quan chức năng, đồng thời giảm thời gian dừng tại các chốt kiểm dịch. Nhờ đó, hoạt động giao hàng của Viettel Post vẫn diễn ra mà không bị trì trệ.
Ông Trần Trung Hưng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần Bưu chính Viettel cho biết: “Chúng tôi nhận thấy trách nhiệm của mình trong việc đảm bảo chuỗi cung ứng cho người dân và doanh nghiệp tại các tỉnh thành giãn cách xã hội. Chúng tôi đang nỗ lực triển khai xuyên suốt hoạt động chuyển phát nội tỉnh và liên tỉnh, bám sát theo tình hình thực tế tại các địa phương. Bên cạnh đó, để thực hiện “nhiệm vụ kép”, công tác đảm bảo sức khỏe và an toàn cho đội ngũ cán bộ nhân viên và khách hàng cũng được ưu tiên hàng đầu.”
Hiện tại, 100% CBNV Viettel Post tại TP.HCM đã được tiêm vắc xin Covid-19, chi nhánh còn tổ chức xét nghiệm cho nhân viên định kỳ 7 ngày/lần. Bất kỳ nhân viên nào có biểu hiện lâm sàng của bệnh như sốt, ho… Viettel Post sẽ tiến hành sàng lọc ngay lập tức để đảm bảo an toàn khi thực hiện công tác giao nhận hàng hóa với khách hàng. Ngoài ra, các bưu tá cũng được cung cấp khẩu trang, găng tay và xịt khử khuẩn, được hướng dẫn phổ biến qua kênh online về nội quy, quy tắc phòng chống dịch. Phương thức giao hàng tại địa chỉ nhận luôn đảm bảo giãn cách 2 mét với khách hàng theo đúng nguyên tắc “5K” của Chính phủ.
Anh Nguyễn Văn Lệnh, bưu tá tại Quận 12, TP.HCM chia sẻ: “Sau khi được đào tạo về phòng chống dịch và đăng ký mã xác nhận nhân viên, tôi thấy tự tin hơn hẳn. Chỉ cần trình diện thẻ nhân viên Viettel Post và tin nhắn xác nhận của Sở Giao thông Vận tải trên điện thoại cho cán bộ trực chốt là đã có thể tiếp tục chạy xe. Tôi không cần mang theo giấy tờ gì cả, mọi thứ đều rất thuận tiện và nhanh chóng. Thời gian dừng xe chỉ khoảng 1-2 phút nên đảm bảo được tiến độ công việc.”
Người dân tại 19 tỉnh thành miền Nam đang giãn cách xã hội nếu gặp khó khăn về hoạt động giao nhận, có thể liên hệ tới hotline các chi nhánh Viettel Post để được kết nối hỗ trợ thời gian nhanh nhất. |