Doanh nghiệp nào cũng có dữ liệu, nhưng cách dùng sẽ tạo ra khác biệt

Doanh nghiệp nào cũng có dữ liệu, nhưng cách dùng sẽ tạo ra khác biệt
Tạp chí Nhịp sống số - Dữ liệu luôn được sinh ra khi doanh nghiệp hoạt động, nhưng vẫn chưa nhiều doanh nghiệp biết cách tận dụng những dữ liệu này làm đòn bẩy cho hoạt động kinh doanh.

Trong quá trình chuyển đổi số hiện nay, dữ liệu được coi là một trong những yếu tố quan trọng nhất, được ví như mỏ vàng của doanh nghiệp.. Nhưng loại vàng này muốn sử dụng được, đòi hỏi doanh nghiệp phải có một chiến lược cụ thể. Để doanh nghiệp có thể biết được mình nên bắt đầu từ đâu với dữ liệu của mình, tạp chí Nhịp sống số phối hợp với IBM Việt Nam tổ chức số thứ 2 của loạt tọa đàm trực tuyến Lộ trình Chuyển đổi số - Lời khuyên từ chuyên gia với chủ đề Dữ liệu - "mỏ vàng" vẫn bị lãng quên trong doanh nghiệp.

Đến với chương trình có các khách mời Ông Lê Nhân Tâm, Kiến trúc sư trưởng, Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam và ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc kỹ thuật giải pháp lưu trữ, IBM Việt Nam.

Ai cũng có dữ liệu, khác nhau ở cách xử lý

Theo ông Tâm, để có được thông tin, chúng ta cần có dữ liệu, xử lý dữ liệu sẽ hình thành thông tin. Giá trị của thông tin sẽ phụ thuộc sự giàu có, sự đa dạng của dữ liệu. Dữ liệu có thể rất nhiều doanh nghiệp cùng có nhưng cách khai thác, cách phân tích nó lại khác nhau, cách kết hợp dữ liệu cũng khác nhau nên giá trị sẽ khác nhau.

 Ông Lê Nhân Tâm, Kiến trúc sư trưởng, Giám đốc Công nghệ IBM Việt Nam.

Như vậy nếu doanh nghiệp sử dụng dữ liệu như một đòn bẩy, thúc đẩy mô hình kinh doanh mới, tạo ra các nguồn doanh thu mới, tối ưu chi phí, việc họ phải xây dựng một chiến lược về khai thác dữ liệu là rất quan trọng.

Để bắt đầu chiến lược dữ liệu các doanh nghiệp có thể tiến hành khảo sát xem nhu cầu mình cần những dữ liệu đầu ra nào, sau đó lên chiến lược thu thập, lưu trữ, sắp xếp và xử lý dữ liệu đầu vào.  

Tới đây doanh nghiệp mới căn cứ vào nhu cầu của mình để lựa chọn công nghệ dữ liệu lớn phù hợp, có thể là thuê từ các dịch vụ điện toán đám mây, thuê hệ thống đám mây lai hoặc xây dựng trung tâm dữ liệu riêng.  

Hệ thống dữ liệu không chỉ là nơi để đặt dữ liệu vào, nó còn có các công cụ phân tích, trí tuệ nhân tạo. Để áp dụng các công nghệ này với doanh nghiệp nhỏ không phải là dễ. Ông Tâm cho rằng với các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ có thể bắt đầu bằng dịch vụ điện toán đám mây.

Các dịch vụ đám mây hiện nay đều có công cụ cho phép ước lượng chi phí sử dụng, doanh nghiệp đã biết nhu cầu dung lượng lưu trữ, tính toán của mình có thể nhập vào để biết chi phí.Khi dữ liệu đủ lớn mới cần chuyển sang giải pháp khác.  

Tránh các sai lầm để đạt hiệu quả nhanh hơn

Ông Hải cho rằng, doanh nghiệp hay gặp nhất vấn đề không biết bắt đầu từ đâu. Họ chưa biết làm cái gì trước, cái gì sau để tạo ra giá trị thực sự từ dữ liệu. Chúng tôi luôn khuyên khách hàng nên thực hiện các khảo sát, rồi đặt mục tiêu cụ thể, thường ngày nhất trước.

Ông Nguyễn Văn Hải, Giám đốc kỹ thuật giải pháp lưu trữ, IBM Việt Nam.

Sau đó khách hàng sẽ dựa trên đầu ra cần thiết, doanh nghiệp sẽ biết cần lấy dữ liệu từ đâu, cái nào có rồi, cái nào chưa có, sẽ lấy dữ liệu ở mức độ nào. Tránh việc đặt kỳ vọng quá lớn từ ban đầu.

Ngoài ra một lý do khác khiến dự án thất bại là chi phí. Chúng ta khó mà hình dung được trong tương lai kho dữ liệu sẽ phình ra tới mức nào. Để tránh tốn quá nhiều tiền đầu tư thì một ý quan trọng đó là hiểu các giới hạn công nghệ.

Ví dụ khi triển khai Hadoop nó có giới hạn về khả năng mở rộng hệ thống bị bó buộc giữa hệ thống tính toán, hệ thống mạng, hệ thống lưu trữ. Như vậy khi mở rộng hệ thống Hadoop doanh nghiệp sẽ phải mua nguyên một hệ thống với nhiều thành phần liên quan chặt tới nhau, trong khi nhu cầu chỉ có tăng dung lượng lưu trữ nhưng vẫn phải nâng cấp khả năng tính toán. Giới hạn này có thể xử lý bằng cách thay các công nghệ khác như IBM Spectrum Scale.  

Một vấn đề khác liên quan tới kỹ thuật đó là dự phòng dữ liệu. Có những giải pháp khi bảo vệ dữ liệu yêu cầu 1 dữ liệu phải sao ra 3 bản, để ở 3 vị trí khác nhau. Như vậy chi phí tổng thể sẽ bị nhân 3, lãng phí tới 200% chi phí dữ liệu. Rất nhiều hệ thống ở Việt Nam bị vấn đề này.  

Trong khi đó ở mức chiến lược, ông Tâm cho rằng nhiều doanh nghiệp có kỳ vọng họ sẽ xây dựng được chiến lược rất bài bản, hoàn chỉnh ngay từ đầu. Điều này khiến cho doanh nghiệp cứ chờ đến khi nào chiến lược xong nên không đáp ứng kịp nhu cầu khai thác dữ liệu hoặc không đáp ứng được về mặt công nghệ.

Chiến lược dữ liệu nên bắt đầu từ những dự án nhỏ để hoàn thành mục tiêu. Dữ liệu nào cấp thiết, cần khai thác trước để phục vụ kinh doanh sẽ triển khai trước.  

Trong quá trình triển khai dữ liệu, thay vì đồng loạt triển khai ở mọi bộ phận, nguồn dữ liệu trong công ty thì chỉ nên triển khai chuẩn hóa theo từng nghiệp vụ. Như vậy sẽ đảm bảo thành công của dự án cũng như duy trì tốt vòng đời dữ liệu.

Có thể bạn quan tâm