Doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến trước "áp lực" chuyển đổi số

Tạp chí Nhịp sống số - Doanh thu quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng như Facebook, Youtube và Tiktok tại Việt Nam năm 2022 đạt 2,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với quảng cáo trên truyền hình.

Thị trường quảng cáo trực tuyến được coi là rất nhiều tiềm năng, song các doanh nghiệp trong nước vẫn chưa khai thác tốt, khiến phần lớn thị phần rơi vào tay doanh nghiệp nước ngoài. 

Thị trường quảng cáo Việt Nam tăng trưởng nhanh thứ 2 khu vực

Trung tâm Đổi mới Sáng tạo Quốc gia (NIC), Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp cùng Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam tổ chức tọa đàm “Xu hướng đổi mới sáng tạo - Chuyển đổi số cho ngành truyền thông quảng cáo Việt Nam”.

Theo ông Đỗ Tiến Thịnh, Phó Giám đốc NIC, quảng cáo là ngành được hưởng lợi nhất từ chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Do đó, ngành truyền thông quảng cáo là chú trọng đẩy mạnh chỉ số đổi mới sáng tạo. NIC khuyến khích các doanh nghiệp trong ngành tiên phong thử nghiệm, ứng dụng các công nghệ và mô hình mới giúp thúc đẩy sự phát triển của các doanh nghiệp số.

Quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam nằm trong tay nền tảng ngoại
Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam

Ông Nguyễn Trường Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) dẫn số liệu của The Statista cho thấy doanh thu ngành quảng cáo tại thị trường Việt Nam năm 2022 đạt khoảng 2,192 tỷ USD.

Với mức doanh thu này, thị trường quảng cáo Việt Nam vẫn còn nhỏ bé so với nhiều thị trường trên thế giới và hiện chỉ đứng thứ 5 trong khu vực. Tuy vậy, mức tăng trưởng của ngành này tại Việt Nam lại thuộc nhóm 2 nước dẫn đầu ASEAN. Cụ thể, thị trường quảng cáo trực tuyến tại Indonesia có doanh thu 5,56 tỷ USD với mức tăng trưởng 8,1%; Thái Lan đạt doanh thu 4,301 tỷ USD, tăng trưởng 3,9%; Singapore 2,578 tỷ USD, tăng trưởng 8,4%. Trong khi đó, tốc độ tăng trưởng của thị trường Việt Nam trong năm 2022 đạt tới 12,7%.

Quảng cáo trực tuyến tại Việt Nam nằm trong tay nền tảng ngoại
Doanh thu quảng cáo Việt Nam so với các nước trong khu vực

“Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng của ngành quảng cáo Việt Nam còn rất lớn”, ông Sơn nói.

Trong bối cảnh ngân sách quảng cáo toàn cầu tiếp tục trền đà giảm sút thì thị phần quảng cáo trực tuyến vẫn tiếp tục tăng trưởng. Quảng cáo trực tuyến được lợi nhất kể từ khi bùng phát đại dịch. Theo sự báo vào cuối năm 2023, quảng cáo trên nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội tăng gấp 3 so với 2019, và chiếm khoảng 60% ngân sách quảng cáo online”, ông Sơn cho hay.

quảng áo trực tuyến
Quảng cáo trực tuyến tiếp tục chiếm tỷ trọng lớn.

Theo vị chuyên gia, cơ cấu ngành quảng cáo tại Việt Nam cũng đang có sự chuyển dịch mạnh sang quảng cáo trên mạng xã hội và trên các nền tảng thương mại điện tử khi các phương thức này đang chiếm phần lớn quảng cáo trên nền tảng số. Theo lý giải, các kênh quảng cáo trực tuyến lên ngôi nhờ khả năng cận khách hàng hơn, mang lại hiệu quả cao hơn và đáp ứng tốt hơn nhu cầu của doanh nghiệp.

Áp lực chuyển đổi của các doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến

Theo số liệu từ Kantar Media Việt Nam, doanh thu quảng cáo trực tuyến trên các nền tảng như Facebook, Youtube và Tiktok trong năm 2021 đạt 2,1 tỷ USD. Sang năm 2022, doanh thu quảng cáo của các nền tảng này đạt khoảng 2,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với quảng cáo trên truyền hình.

Dự báo con số này trong năm 2023 đạt khoảng 3,4 tỷ USD, tương đương 80.000 tỷ đồng. “Do đó, xu hướng tất yếu là doanh nghiệp ngành quảng cáo phải chuyển đổi số”, ông Sơn cho hay.

Đại diện goldsun media
Bà Trần Thị Thanh Vân, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chuyển đổi số và Marketing, Goldsun Media Group

Đồng quan điểm này, bà Trần Thị Thanh Vân, Phó Tổng Giám đốc phụ trách Chuyển đổi số và Marketing của Goldsun Media Group cho rằng các doanh nghiệp cần tìm điểm khác biệt để chuyển đổi số, tránh làm ồ ạt chuyển đổi số mà không có mục tiêu cũng như hướng đi rõ ràng.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trường Sơn cũng phân tích, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số trong ngành quảng cáo hiện nay là vấn đề pháp lý, tiềm lực tài chính và cả nguồn nhân lực. Ông Sơn cho rằng, chính sách, cơ chế quản lý chưa theo kịp thay đổi của công nghệ và mô hình kinh doanh thời đại số. 

Trong khi đó, chi phí đầu tư vào hạ tầng số cao và nguồn nhân lực am hiểu công nghệ, các công cụ phát hành quảng cáo, đánh giá dữ liệu còn thiếu cũng là rào cản cho các phương tiện truyền thông truyền thống chuyển đổi. Do đó, cần gỡ vướng về vấn đề pháp lý, cần có những chính sách hỗ trợ tài chính cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực quảng cáo tham gia vào quá trình chuyển đổi số.

Trong khuôn khổ hội thảo đã diễn ra lễ công bố kết quả Dự án chuyển đổi số toàn diện giữa Goldsun Media Group và Công ty Công nghệ I&E Việt Nam.

Trên cơ sở ứng dụng công nghệ trong Dự án chuyển đổi số toàn diện công tác quản trị vận hành, Goldsun Media Group đã đạt được những thành tựu ban đầu trong việc tăng tốc nâng cao chất lượng dịch vụ, tối ưu công suất khai thác hệ thống, từ đó dành nguồn lực đồng hành cùng các doanh nghiệp Việt Nam và hỗ trợ thúc đẩy hệ sinh thái đổi mới sáng tạo phát triển bền vững thông qua “Gói hỗ trợ truyền thông của Goldsun Media Group cho các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo trong Hệ sinh thái của Thinkzone”.

Có thể bạn quan tâm