Hiện nay, ngành công nghiệp wi-fi trên thế giới đã chuẩn bị sẵn sàng để cung cấp công nghệ và thiết bị wi-fi tiêu chuẩn 6E. Ước tính, có khoảng 1,4 tỷ thiết bị wi-fi 6E sẽ gia nhập thị trường vào năm 2025. Đã có hơn 60 quốc gia quyết định mở băng tần 6 Ghz cho wi-fi và hơn 20 quốc gia bắt đầu thủ tục hướng tới việc mở băng tần 6 Ghz.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia quốc tế, Việt Nam là một trong các quốc gia khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang tích cực đánh giá phổ tần số 6 Ghz và xem xét các phương án để khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên này.
Ba xu hướng quy hoạch, sử dụng băng tần 6 Ghz
Ông Lê Văn Tuấn, Cục trưởng Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, băng tần 6 GHz đang được cơ quan quản lý tần số các nước nghiên cứu và tiếp cận về quy hoạch cho các hệ thống cấp phép cho thông tin di động IMT hoặc miễn cấp phép cho wi-fi theo các hướng khác nhau. Đây là một trong những chủ đề nóng trên nhiều diễn đàn quốc tế và khu vực về thông tin vô tuyến trong thời gian vừa qua.
Theo ông Tuấn, có 3 xu hướng quy hoạch băng tần được nghiên cứu và thảo luận bởi các thành viên của Liên minh Viễn thông quốc tế (ITU). Đó là quy hoạch toàn bộ 1.200 MHz của băng tần 6 GHz thành băng tần miễn cấp phép, chủ yếu sử dụng cho wi-fi; quy hoạch toàn bộ 1.200 MHz của băng tần 6 GHz thành băng tần cấp phép, chủ yếu sử dụng cho thông tin di động (IMT); quy hoạch 500 MHz đoạn băng tần dưới (5925 - 6425 MHz) thành băng tần miễn cấp phép và 700 MHz đoạn băng tần trên (6425 - 7125 MHz) thành băng tần cấp phép.
Lãnh đạo Cục Tần số vô tuyến điện khuyến nghị, các nhà quản lý, nhà cung cấp dịch vụ và nhà sản xuất thiết bị cần nhanh chóng rà soát lại các kết quả nghiên cứu và phương án quy hoạch, đánh giá cơ hội và thách thức trong mỗi phương án để lựa chọn giải pháp tối ưu về công nghệ, hài hòa với quốc tế, đem lại lợi ích tối đa cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Cấp phép hay miễn phí?
Hiện có 3 cách tiếp cận quy hoạch, sử dụng băng tần 6Ghz. Trung Quốc đã phân chia toàn bộ băng tần 6 GHz cho các dịch vụ IMT. Trong khi đó, Hàn Quốc phân chia toàn bộ băng tần cho wi-fi. Còn Mỹ, Malaysia, Thái Lan và Australia mới đây quyết định 6GHz cho cả ITM và wi-fi.
Ông Scott Minehane, Giám đốc điều hành Windsor Place Consulting Pty Ltd cho rằng, các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương thiếu băng tần 3,5 GHz phù hợp cho các dịch vụ IMT để hỗ trợ các dịch vụ 5G chất lượng và các dịch vụ 6G trong tương lai. Vì vậy, phương án phân chia 6Ghz giữa wi-fi và IMT là hài hòa lợi ích cho các bên.
Theo đại diện Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), băng tần trung là băng tần quý trong phát triển hạ tầng viễn thông ở kỷ nguyên băng rộng. Do vậy, cơ quan quản lý nên dành băng tần 6GHz cho phát triển cả IMT và wi-fi để bảo đảm nhu cầu sử dụng của người dùng, trong đó chú trọng dùng cho phát triển mạng di động để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng, đặc biệt là mục tiêu chuyển đổi số quốc gia để phát triển kinh tế số, xã hội số. Việc sử dụng băng tần 6GHz cần hài hòa với các nước trong khu vực và thế giới để có thiết bị mạng và đầu cuối phổ biến, giá thành thấp tại Việt Nam…
Trong khi đó, bà Thảo Griffiths, Giám đốc Chính sách công Việt Nam của Tập đoàn Meta đánh giá, phổ tần miễn cấp phép cho wi-fi là một tài nguyên thiết yếu để phát triển nền kinh tế số khi mạng wi-fi đã trở thành một phần không thể thay thế để cung cấp kết nối băng rộng. Nhu cầu kết nối và lưu lượng băng thông rộng đã và đang ngày càng gia tăng nhanh chóng. Đáng chú ý, tính trung bình, có tới 80% lưu lượng truy cập không dây được truyền qua mạng wi-fi. Đặc biệt, các thế hệ wi-fi mới/wi-fi 6E sẽ cho phép rất nhiều ứng dụng mới và mang lại cả lợi ích kinh tế và lợi ích xã hội.
Đồng quan điểm, ông Christopher Szymanski, Giám đốc tiếp thị sản phẩm Tập đoàn Broadcom cũng ủng hộ phương án miễn cấp phép cả phổ tần và nhấn mạnh rằng, wi-fi là một tài nguyên thiết yếu để phát triển nền kinh tế số và là nguồn cung cấp kết nối băng rộng không thể thay thế. Tập đoàn này cho rằng, 80% lưu lượng truy cập không dây là qua mạng wi-fi.
Còn theo ông Lê Trung, đại diện Công ty cổ phần Viễn thông FPT, hơn 50% thế giới sử dụng 6 Ghz cho wi-fi. Vì vậy, phát triển wi-fi, đặc biệt là indoor Wi-Fi, là cần thiết và hữu ích cho người dùng, doanh nghiệp Việt Nam. Từ đó, ông Trung đề xuất quy hoạch băng tần 6Ghz cho wi-fi.