Theo PhoneArena, vì các thiết bị iOS được thiết kế để chỉ chạy những ứng dụng được mua từ App Store, phía nguyên đơn cho rằng điều này làm tăng giá giả tạo cho các ứng dụng phải trả phí trong cửa hàng. Nhà phát triển nhận được 70% doanh thu được tính cho các ứng dụng trả phí, còn Apple giữ 30%.
Nhóm nguyên đơn cho rằng người tiêu dùng cần được quyền khởi kiện Apple tại các tòa án cấp thấp hơn sau khi chứng kiến công ty này đã tạo ra một thị trường khép kín cho các ứng dụng iOS.
Phản ứng trước cáo buộc, Apple đưa ra lý lẽ nói rằng công ty không làm gì ngoài việc cung cấp một thị trường cho các nhà phát triển ứng dụng được cấp phép bán sản phẩm của họ.
Theo một báo cáo từ NBC News, câu hỏi lớn nhất mà Tòa án Tối cao Mỹ xem xét là liệu các nhà phát triển hay Apple phải chịu trách nhiệm cho bất kỳ sự tăng giá nào hay không. Các nhà phát triển được đặt giá cho các ứng dụng của mình, nhưng Apple lại hưởng hoa hồng trên mọi giao dịch bán.
David Frederick, luật sư đại diện cho khách hàng của Apple cho rằng chính hệ thống khép kín có chủ ý của Apple đã ngăn cản cạnh tranh, cho phép App Store thu được giá cao hơn so với giá mà người dùng phải trả cho một thị trường cạnh tranh.
Phía nguyên đơn cho rằng nếu họ thành công tại tòa án, điều đó có thể dẫn đến việc phí tải ứng dụng trên một số nền tảng được giảm đi. Trong khi đó, phía các nhà phát triển thì cho rằng nếu Apple thua kiện, nó sẽ dẫn đến một sự gián đoạn không chỉ của App Store mà còn cả các cửa hàng ứng dụng tương tự trên các nền tảng khác, bao gồm cả Google Play Store cho Android.
Vấn đề ở đây là mặc dù một ứng dụng trên App Store có giá trung bình chỉ 1 USD nhưng App Store vẫn tạo ra doanh thu 11 tỉ USD cho Apple vào năm ngoái. Điều này cho thấy nguồn lợi nhuận từ “30%” giá chia chác của Apple với các nhà phát triển là con số không hề nhỏ.