Dự kiến cấp phép thí điểm Mobile Money cho Viettel, VNPT, MobiFone trong tháng 10

Dự kiến cấp phép thí điểm Mobile Money cho Viettel, VNPT, MobiFone trong tháng 10
Tạp chí Nhịp sống số - Thông tin trên được Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú đưa ra tại Họp báo thường kỳ tháng 9 do Văn phòng Chính phủ tổ chức ngày 2/10.

Cụ thể, theo Phó Thống đốc, thực hiện Quyết định 316/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán hàng hóa, dịch vụ (Mobile-Money), Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 3 đơn vị đăng ký triển khai hoạt động mobile money gồm: Tập đoàn Công nghiệp-Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam VNPT và Tổng công ty Viễn thông MobiFone.

"Cũng cần thời gian để các doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ theo đúng Quyết định 316 của Thủ tướng Chính phủ. Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chuyển văn bản, hồ sơ lấy ý kiến thống nhất của 2 bộ nữa là Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Công an, vì đây là vấn đề đòi hỏi phải hết sức chặt chẽ, đúng quy định", ông Tú nói.

Hiện có hơn 270 dịch vụ Mobile Money khác nhau trên thế giới, được sử dụng phổ biến nhất ở châu Á, châu Phi và Mỹ La tinh. Mobile Money là một giải pháp thay thế phổ biến cho tài khoản ngân hàng và tiền mặt, có thể sử dụng để thanh toán ở bất kỳ đâu thông qua điện thoại của người dùng, miễn là nơi đó có sóng di động.

Ngoài ra, theo ông Tú, về cơ bản, các cơ quan đã thống nhất và hy vọng trong tháng 10 này, 3 Bộ sẽ thống nhất hồ sơ của các đơn vị này. Khi đủ điều kiện và được sự thống nhất chung của 3 Bộ, sẽ quyết định cho cấp phép để 3 đơn vị triển khai dịch vụ này.

Chia sẻ thêm nguyên nhân có tới 3 Bộ cùng tham gia quản lý hoạt động này, Phó Thống đốc cho rằng, vì đây là hoạt động phức tạp, đòi hỏi phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng, cho người dân cũng như an toàn cho hệ thống thanh toán. Đây là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng công nghệ (điện thoại di động của người dân), hết sức thuận tiện cho người dân nhưng cũng đòi hỏi phải hết sức an toàn, tránh bị lợi dụng".

"Đối với việc triển khai thí điểm, lúc đầu dự định triển khai tại một số địa phương; nhưng sau khi Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cân nhắc, sẽ cho triển khai đồng bộ trên cả nước, thời gian thí điểm khoảng 2 năm. Sau khi thí điểm hoàn thành sẽ rút kinh nghiệm, đánh giá và cho triển khai chính thức chương trình này", ông Tú nhấn mạnh.

Có thể bạn quan tâm

GapoWork và NEWING vừa ký kết hợp tác chiến lược, nhằm kết hợp những thế mạnh về công nghệ và kiến thức quản lý hiện đại, mang đến bộ công cụ giúp nâng cao hiệu suất, xây dựng văn hóa doanh nghiệp.