EU cần phải bơm 300 tỉ euro (khoảng 355 tỉ USD) vào cơ sở hạ tầng viễn thông trước năm 2025 nếu muốn triển khai 5G trên toàn khối 27 quốc gia để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cũng như khai thác tiềm năng của công nghệ, Reuters dẫn báo cáo nghiên cứu của công ty tư vấn quản lý toàn cầu BCG cho biết.
Nghiên cứu của BCG, được ủy quyền bởi nhóm vận động hành lang viễn thông ETNO, đưa ra khi EU hy vọng 5G có thể đưa họ thoát khỏi tình trạng suy thoái do ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19 và dẫn đầu về các thiết bị kết nối internet. Tuy nhiên, các nhà khai thác viễn thông của EU lại chần chừ, không sẵn lòng đầu tư vào mạng 5G. Họ nói rằng kế hoạch mở rộng quy mô thông qua sáp nhập để thực hiện dự án 5G đã bị cản trở bởi các quy tắc chống độc quyền đầy khó khăn của EU, nhưng trên thực tế nguyên nhân chính là do chi phí thực hiện quá lớn.
“Vẫn cần 150 tỉ euro để triển khai 5G trên toàn EU, trong khi đó cũng cần thêm 150 tỉ USD để hoàn thành việc nâng cấp cơ sở hạ tầng cố định lên tốc độ gigabit”, trích báo cáo của BCG.
Sự chậm trễ trong việc đấu giá phổ tần 5G, sóng cần thiết để các nhà khai thác bắt đầu cung cấp 5G thương mại, vốn nằm trong kế hoạch chuyển trọng tâm để chống lại đại dịch của các chính phủ cũng đã khiến ngành công nghiệp viễn thông thất vọng.
Nghiên cứu đã đề xuất một số biện pháp mà chính phủ và các cơ quan quản lý có thể thực hiện để thúc đẩy ngành công nghiệp viễn thông. “Một trong những bước cần làm là theo đuổi các mô hình sở hữu mới liên quan đến chia sẻ cơ sở hạ tầng tự nguyện, có thể cho phép triển khai nhanh hơn, giảm tác động môi trường tổng thể và tăng cường chuyển giao kiến thức giữa các đối tác”.
Nới lỏng quy định cho phép các nhà cung cấp viễn thông hợp tác và đồng đầu tư, hoặc tách rời việc xây dựng cơ sở hạ tầng khỏi các doanh nghiệp dịch vụ viễn thông cũng là một số gợi ý. Nghiên cứu cũng kêu gọi các nhà khai thác khác được phép kiếm tiền từ lưu lượng dữ liệu trên mạng tham gia để bắt kịp các đối thủ như Google, Facebook, Microsoft và các gã khổng lồ công nghệ khác.