FortiGuard Labs: Hơn 100 tỷ hồ sơ bị xâm phạm trên các diễn đàn ngầm

Tạp chí Nhịp sống số - Theo Báo cáo toàn cảnh các mối đe dọa an ninh mạng toàn cầu năm 2025 của FortiGuard Labs, có khoảng 1,7 tỷ hồ sơ thông tin xác thực bị đánh cắp được chia sẻ qua “Chợ đen” Darknet

Báo cáo toàn cảnh các mối đe dọa an ninh mạng toàn cầu năm 2025 mà FortiGuard Labs công bố mới đây dã nhấn mạnh sự bùng nổ của tội phạm mạng dưới dạng dịch vụ trên darknet, khiến việc kinh doanh các thông tin xác thực, quyền khai thác và truy cập đang ngày càng phổ biến hơn.

Tự động hóa giúp tội phạm "tăng tốc" tấn công mạng

Theo FortiGuard Labs, để tận dụng các lỗ hổng mới phát hiện, tội phạm mạng đang triển khai quét tự động trên quy mô toàn cầu. Số liệu về quét chủ động trong không gian mạng đã đạt đến mức chưa từng có vào năm 2024 (tăng 16,7% trên toàn thế giới so với cùng kỳ năm trước), chứng tỏ một lượng lớn thông quan trọng về cơ sở hạ tầng kỹ thuật số đã bị lộ. FortiGuard Labs đã quan sát và ghi nhận hàng tỷ lượt quét mỗi tháng, tương đương với 36.000 lượt quét mỗi giây. Điều này cho thấy sự tập trung mạnh mẽ của các kẻ tấn công vào việc lập bản đồ các dịch vụ bị lộ như SIP và RDP và các giao thức OT/IoT như Modbus TCP.

Năm 2024, các lĩnh vực bị nhắm đến nhiều nhất là sản xuất (17%), dịch vụ kinh doanh (11%), xây dựng (9%) và bán lẻ (9%). Các nhóm tội phạm mạng được hậu thuẫn bởi quốc gia (nation-state actors) và các liên minh vận hành mô hình Ransomware-as-a-Service (RaaS) đều tập trung vào các ngành này.

Cùng đó, "chợ đen” Darknet phát triển khiến khả năng truy cập vào các bộ công cụ tấn công dựng sẵn trở nên dễ dàng hơn. Năm 2024, các diễn đàn tội phạm mạng đã tăng cường kinh doanh những bộ công cụ khai thác, với hơn 40.000 lỗ hổng mới được thêm vào Cơ sở dữ liệu lỗ hổng quốc gia, tăng 39% so với năm 2023. Ngoài các lỗ hổng zero-day đang lưu hành trên darknet, các nhà môi giới tăng cường chào mời các thông tin tài khoản xác thực của công ty (20%), quyền truy cập từ xa RDP (19%), bảng điều khiển quản trị (13%) và web shell (12%).

Đáng lưu ý, FortiGuard Labs đã quan sát thấy mức tăng 500% trong năm qua ở nhật ký có sẵn từ các hệ thống bị phần mềm độc hại đánh cắp thông tin xâm nhập, với 1,7 tỷ hồ sơ thông tin xác thực bị đánh cắp được chia sẻ trong các diễn đàn ngầm này.

Bên cạnh đó, các hoạt động tội phạm mạng có AI hỗ trợ đang mở rộng nhanh chóng. Các công cụ như FraudGPT, BlackmailerV3 và ElevenLabs đang giúp cho các chiến dịch tấn dễ dàng mở rộng hơn, hiệu quả hơn...

Ở các ngành công nghiệp như sản xuất, chăm sóc sức khỏe và dịch vụ tài chính tiếp tục chứng kiến sự gia tăng các cuộc tấn công mạng được thiết kế riêng, với các hoạt động khai thác cụ thể được lên kế hoạch và triển khai chuyên biệt theo từng lĩnh vực.

Cùng đó, môi trường điện toán đám mây tiếp tục là mục tiêu hàng đầu - trong 70% các sự cố quan sát được, kẻ tấn công đã truy cập thông qua thông tin đăng nhập từ các khu vực địa lý không quen thuộc, khiến chúng ta phải chú ý hơn tới tầm quan trọng của việc giám sát danh tính trong phòng thủ đám mây.

Thông tin xác thực trở thành “tài sản” của tội phạm mạng

Dữ liệu từ báo cáo cho thấy, năm 2024, tội phạm mạng đã chia sẻ hơn 100 tỷ hồ sơ bị xâm phạm trên các diễn đàn ngầm, tăng 42% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do sự gia tăng của "danh sách kết hợp" chứa tên người dùng, mật khẩu và địa chỉ email bị đánh cắp.

Hơn một nửa số bài đăng trên darknet liên quan đến cơ sở dữ liệu bị rò rỉ, cho phép kẻ tấn công tự động hóa các cuộc tấn công nhồi thông tin xác thực ở quy mô lớn. Các nhóm nổi tiếng như BestCombo, BloddyMery và ValidMail là những nhóm tội phạm mạng hoạt động tích cực nhất trong thời gian này. Chúng tiếp tục hạ thấp rào cản tấn công bằng cách cung cấp các gói dịch vụ có sẵn thông tin xác thực, khiến các vụ chiếm đoạt tài khoản, gian lận tài chính và gián điệp doanh nghiệp gia tăng chóng mặt về số lượng.

Theo ông Derek Manky - Phó chủ tịch phụ trách Chiến lược an ninh mạng và Nghiên cứu mối đe dọa toàn cầu của FortiGuard Labs, tội phạm mạng đang tận dụng AI và tự động hóa để đẩy nhanh hoạt động tấn công với tốc độ và quy mô chưa từng có, thực trạng này khiến các tài liệu hướng dẫn bảo mật truyền thống không còn đủ hiệu quả nữa.

"Các tổ chức phải nhanh chóng chuyển sang chiến lược phòng thủ chủ động, kết hợp AI, zero trust và tăng cường quản lý nguy cơ một cách liên tục, để có thể luôn đi trước các kẻ tấn công trong bối cảnh mối đe dọa đang thay đổi nhanh chóng hiện nay", Derek Manky nói.

Theo đó, FortiGuard Labs khuyến cáo CISO (Chief of Information Security Officer - Giám đốc/ Trưởng phòng An toàn thông tin) cần chuyển từ Phát hiện mối đe dọa truyền thống sang “Quản lý phơi bày mối đe dọa liên tục” – Phương pháp chủ động này tập trung vào việc quản lý bề mặt tấn công liên tục, mô phỏng hành vi của đối thủ trong thế giới thực, ưu tiên khắc phục dựa trên rủi ro và tự động hóa các phản ứng phát hiện và phòng thủ. Sử dụng các công cụ mô phỏng vi phạm và tấn công (BAS) để thường xuyên đánh giá các biện pháp phòng thủ như các thành phần endpoint, mạng và đám mây trước các tình huống tấn công trong thế giới thực, đảm bảo khả năng phục hồi trước các kĩ thuật di chuyển ngang và khai thác.

Cùng đó, cần thực hiện các bài tập mô phỏng đối thủ, kết hợp Red & Purple team, tận dụng MITRE ATT&CK để kiểm tra các biện pháp phòng thủ chống lại các mối đe dọa như phần mềm tống tiền và các chiến dịch gián điệp.

Ngoài ra, cần triển khai các công cụ quản lý bề mặt tấn công (ASM) để phát hiện các tài sản bị lộ, thông tin đăng nhập bị rò rỉ và các lỗ hổng có thể khai thác trong khi liên tục giám sát các diễn đàn darknet để tìm ra các mối đe dọa mới nổi.

Tập trung nỗ lực khắc phục vào các lỗ hổng được các nhóm tội phạm mạng thảo luận tích cực, đồng thời tận dụng các thông tin đánh giá ưu tiên theo rủi ro như EPSS và CVSS để quản lý các bản vá hiệu quả.

Đặc biệt, cần tận dụng nguồn thông tin từ Dark Web – Giám sát các thị trường darknet để tìm các dịch vụ ransomware mới nổi và theo dõi các nỗ lực phối hợp của hacker để giảm thiểu trước các mối đe dọa như DDoS và các cuộc tấn công phá hoại trang web.

Có thể bạn quan tâm

Liên minh ứng phó, khắc phục sự cố an ninh mạng quốc gia vừa tổ chức thành công Diễn tập thực chiến lần thứ nhất, với "thu hoạch" cụ thể là hơn 40 báo cáo lỗ hổng đã được các đội tham gia gửi về Ban tổ chức