Foxconn nhìn thấy nhiều triển vọng khi đầu tư thêm vào Ấn Độ và Đài Loan

Foxconn nhìn thấy nhiều triển vọng khi đầu tư thêm vào Ấn Độ và Đài Loan
Tạp chí Nhịp sống số - Nhà sản xuất hợp đồng điện tử lớn nhất thế giới nhìn thấy nhiều triển vọng khi đầu tư thêm vào Ấn Độ và Đài Loan.

Foxconn đẩy mạnh đầu tư vào Ấn Độ, Đài Loan trong năm nay

Foxconn Technology Group sẽ tăng gấp đôi nỗ lực đa dạng hóa sản xuất khỏi Trung Quốc khi rạn nứt giữa Bắc Kinh và Washington về thương mại và công nghệ ngày càng sâu sắc.

“Trong bức tranh rộng lớn hơn, Ấn Độ sẽ là nơi tốt để phát triển và chúng tôi hoàn toàn đang tập trung theo hướng đó. Chúng tôi sẽ chia sẻ chi tiết về bước đầu tư tiếp theo ở Ấn Độ trong những tháng tới. Về phần Đài Loan, chúng tôi sẽ mở rộng đầu tư vào ba lĩnh vực đang phát triển mà Foxconn coi là động lực tăng trưởng trong tương lai, bao gồm xe điện, robot và các phân khúc liên quan đến thiết bị y tế thông minh”, Chủ tịch Foxconn Young Liu nói với các cổ đông trong cuộc họp thường niên vào hôm 23.6.

Thông báo của ông Liu cho thấy cuộc di tản sản xuất ra khỏi Trung Quốc, nơi từng là cường quốc sản xuất chính của thế giới trong nhiều năm qua, sẽ còn tiếp diễn mạnh mẽ trong thời gian tới. Foxconn là nhà sản xuất hợp đồng lớn nhất thế giới cho các công ty công nghệ khổng lồ bao gồm Apple, HP, Dell, Amazon, Google, Huawei và Xiaomi.

Foxconn bắt đầu chuyển một số hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung leo thang vào năm 2018, nhằm tránh khỏi trừng phạt thuế quan mà Mỹ áp đặt lên sản phẩm sản xuất tại Trung Quốc. Trong hai năm qua, Đài Loan, Ấn Độ và Việt Nam là những địa điểm nổi bật cho hầu hết mọi hoạt động mở rộng của Foxconn. Theo Nikkei, ông Liu cho biết công ty đã đầu tư hơn 371 triệu USD tại Ấn Độ và hơn 200 triệu USD tại Việt Nam trong hai năm 2018 và 2019. Riêng tại quê nhà Đài Loan, Foxconn đã chuyển về đó một số trung tâm dữ liệu, máy chủ và hoạt động sản xuất liên quan đến mạng, một phần vì thuế quan trừng phạt của Washington, một phần vì lo ngại về an ninh của khách hàng Mỹ.

Đại dịch Covid-19 bùng phát sau đó cũng là yếu tố quan trọng củng cố mong muốn của các công ty công nghệ trong việc phát triển năng lực sản xuất đa dạng trên toàn khu vực trong dài hạn, thay vì chỉ dựa vào một nước sản xuất chính. “Dịch Covid-19 đã phá vỡ nhiều hoạt động sản xuất công nghệ. Chúng tôi không có sản lượng trong một tháng trong quý đầu năm, nhưng chúng tôi vẫn cố gắng xoay xở để tạo ra lợi nhuận. Nhu cầu dường như sẽ tốt hơn dự kiến trong quý thứ ba năm nay”, ông Liu nói.

Tuy nhiên, Chủ tịch Foxconn từ chối xác nhận liệu công ty ông có đạt được mục tiêu tăng doanh thu từ 1% đến 3% trong năm nay hay không.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.