Theo đó, việc hợp tác giữa FPT và NUS Computing bao gồm thành lập một phòng nghiên cứu hiện đại, đầu tư thúc đẩy đổi mới sáng tạo và đào tạo các chuyên gia trong lĩnh vực AI.
Trong khuôn khổ biên bản ghi nhớ hợp tác này, FPT sẽ cùng với NUS và các doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái AI của Singapore và khu vực châu Á Thái Bình Dương dự kiến huy động khoản đầu tư 50 triệu USD trong vòng 5 năm tới cho các hoạt động tiên phong nghiên cứu và phát triển các tài năng trong lĩnh vực AI.
Theo đại diện FPT, hợp tác này giúp Tập đoàn thúc đẩy thương mại hóa các giải pháp AI và nâng cao năng lực nghiên cứu phát triển, đẩy mạnh xây dựng nguồn nhân lực AI chất lượng cao góp phần nâng cao lợi thế cạnh tranh của Tập đoàn trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu.
Giáo sư Tan Kian Lee, Hiệu trưởng NUS Computing, chia sẻ: "Mối quan hệ hợp tác giữa NUS Computing và FPT mang tính tương hỗ. Chúng tôi mong muốn mang đến các giải pháp AI tiên tiến để giải quyết các thách thức thực tế, đồng thời đóng góp vào hệ sinh thái AI tại Singapore và toàn cầu thông qua việc phát triển nguồn nhân lực AI có chuyên môn cao".
Một trong những hoạt động trọng tâm của thỏa thuận hợp tác là hai bên sẽ phối hợp thành lập một phòng nghiên cứu AI dựa trên thế mạnh về nghiên cứu của Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và năng lực công nghệ của FPT. Phòng nghiên cứu AI này sẽ tập trung nghiên cứu phát triển các công nghệ tiên tiến, bao gồm học máy, phân tích dữ liệu, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và thị giác máy tính ứng dụng giải quyết các bài toán thực tiễn trong các lĩnh vực như ngân hàng, bảo hiểm, logistics, vận tải, hàng không, năng lượng, sản xuất,... góp phần thúc đẩy đổi mới trong lĩnh vực AI tại Việt Nam, Singapore cũng như khu vực Châu Á - Thái Bình Dương.
Đồng thời, các nhà nghiên cứu, chuyên gia của Phòng nghiên cứu AI này cũng sẽ xuất bản các công trình nghiên cứu chung, các sách trắng trên các tạp chí và hội nghị quốc tế có uy tín, chia sẻ những khám phá mới với cộng đồng học thuật và doanh nghiệp toàn cầu.
Được xem như một phần quan trọng trong hệ sinh thái của NUS Computing, phòng nghiên cứu AI này sẽ được đặt trong khuôn viên của trường và hợp tác chặt chẽ với Viện Trí tuệ Nhân tạo của NUS (NAII) - nơi quy tụ các nhà nghiên cứu và chuyên gia AI giàu kinh nghiệm.
Cũng theo thỏa thuận hợp tác, FPT và NUS Computing cũng sẽ tìm kiếm cơ hội thương mại hóa các giải pháp, sản phẩm, dịch vụ tích hợp AI do hai bên cùng nghiên cứu phát triển cho thị trường toàn cầu.
Một nội dung quan trọng khác của thỏa thuận hợp tác là hai bên sẽ thúc đẩy đào tạo nhân lực AI chất lượng cao thông qua các chương trình như thực tập, hội thảo, đào tạo và nghiên cứu bậc tiến sĩ góp phần quan trọng để Việt Nam, Singapore luôn đi đầu trong đổi mới công nghệ.
Ông David Nguyễn, CEO FPT Asia Pacific, Tập đoàn FPT nhấn mạnh: "Việc thành lập Phòng nghiên cứu AI tại Singapore là nền tảng của mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Chúng tôi sẽ phát triển các giải pháp đột phá để giải quyết các bài toán trong các lĩnh vực kinh tế quan trọng đối với sự phát triển của khu vực như chăm sóc sức khỏe, ngân hàng, bảo hiểm, logistics, vận tải, hàng không, năng lượng, sản xuất,… Bằng cách khai thác thế mạnh của mỗi bên, chúng tôi sẽ không ngừng đổi mới sáng tạo và mang lại các kết quả tích cực cho hai nước, cho khu vực và toàn cầu."