"Game sẽ là tương lai của tiếp thị"

Tạp chí Nhịp sống số - Game đang dần trở thành một loại hình văn hóa đại chúng trong xã hội. Điều đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thương hiệu có thể tiếp cận khách hàng dễ hơn. Vấn đề là đầu tư thế nào cho đúng cách và hiệu quả việc sử dụng game trong marketing.

Chia sẻ về chủ đề này, Tiến sĩ Hồ Phú Hải - Giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT -cho rằng, không thể phủ nhận được việc game đang ngày càng trở nên thịnh hành. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều thương hiệu vẫn chưa đầu tư đúng mực cho việc sử dụng game trong marketing. Họ vẫn xem nó như là một chiến thuật một lần trong một chiến dịch truyền thông hơn là chiến lược dài hơi trong xây dựng thương hiệu.

Thực tế, theo vị chuyên gia này, game có thể làm được nhiều hơn thế. Nó cho phép thương hiệu tìm hiểu sâu sắc về khách hàng: sở thích, thời gian và mối quan tâm cho thương hiệu, cách thức người chơi chia sẻ thông tin... Thương hiệu có thể đo lường tất cả KPI, phân tích những kết quả đã đạt được và xác định cách cải thiện dựa trên hiểu biết đúc kết từ dữ liệu.

"Game sẽ là tương lai của tiếp thị vì giới trẻ là tương lai của nền kinh tế", ông Hải nhận định.

Tiến sĩ Hồ Phú Hải
Tiến sĩ Hồ Phú Hải - Giảng viên Khoa Truyền thông và Thiết kế, Đại học RMIT

Xung quanh chủ đề này, Nhịp Sống Số đã có phần phỏng vấn Tiến sĩ Hồ Phú Hải

Theo ông, việc quảng bá thương hiệu qua game thích hợp với nhóm ngành nghề nào? Hướng vào đối tượng nào thì phù hợp?

Theo tôi, tất cả các ngành nghề đều có thể tiếp cận với game. Tùy theo từng mức độ tiếp cận và giao tiếp với khách hàng mà thương hiệu có thể tiếp xúc khách hàng qua game. Ở đây, chúng ta nên nhìn nhận vấn đề theo đối tượng khách hàng hơn là ngành hàng.

Theo báo cáo năm 2021 của công ty nghiên cứu thị trường GWI, mọi người đều có thể là game thủ. Vì thế, nên nhìn nhận theo góc độ khách hàng là ai, họ đang chơi những thể loại game nào, mục đích của họ chơi game là gì...? Qua đó sẽ xác định được cơ hội sử dụng game để xây dựng mối quan hệ với khách hàng. 

Do vậy, bất kỳ thương hiệu nào cũng có thể sử dụng game để tiếp cận khách hàng. Khi nói đến game, mọi người thường nghĩ đến giới trẻ là những người năng động và dễ tiếp cận những công nghệ mới, nên game dễ xâm nhập vào những đối tượng này. Tuy nhiên, nghiên cứu của GWI cho thấy, 80% game thủ có độ tuổi từ 15-35. Bên cạnh đó, các bà mẹ hiện nay cũng trở thành game thủ vì phải ở nhà làm việc và trông con trong suốt mùa dịch. Họ phải chơi game để chơi với con cái.

Game đang dần trở thành văn hóa đại chúng trong xã hội. Điều đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho thương hiệu có thể tiếp cận khách hàng dễ hơn.

Chiến lược và nội dung của các game phục vụ theo mục tiêu marketing có cần phải liên kết gì với chiến lược xây dựng và phát triển thương hiệu? Hay chỉ đơn giản là hướng tới người dùng của thương hiệu như một trò chơi nhằm thu hút tương tác đơn thuần?

Nếu như thương hiệu chỉ xây dựng game để khách hàng chơi và tương tác đơn thuần thì sẽ không “bõ công” đầu tư vào game. Bởi vì khách hàng sẽ chọn chơi những game thông thường trên thị trường hơn là game của thương hiệu.

Hiện nay game được xem như là một nguồn sản xuất nội dung vô tận mà khách hàng có thể sử dụng mọi lúc mọi nơi. 

Khách hàng chỉ cần chơi game là có thể có nội dung mới. Người chơi sẽ tiếp cận những tình huống trong game khác nhau, chơi với những người chơi khác nhau, và có thể đóng vai khác nhau trong game. Họ thường xuyên chia sẻ những trải nghiệm trong game trên mạng xã hội. Vì thế, việc liên kết với các mạng xã hội với game sẽ trở thành xu thế tất yếu.

Bên cạnh đó, 43% gamer chơi với bạn bè của họ ngoài đời. Điều này khiến nó trở thành công cụ thông tin liên lạc hiệu quả cho game thủ. Dần dần game trở thành một hình thức mạng xã hội mới của người tiêu dùng. Lúc đó thương hiệu nên sử dụng game để xây dựng giá trị kết nối và tương tác với khách hàng của mình. Điều này sẽ giúp thương hiệu dễ kết nối với khách hàng hơn và từ từ tạo nên cảm xúc và thiện cảm với thương hiệu.

Vậy theo ông, có thể "mượn" các hình ảnh, câu chuyện trong game, để dẫn dắt người chơi hiểu được các giá trị, biểu tượng có mối liên hệ với thương hiệu doanh nghiệp không? 

Một trong những vấn đề chính trong xây dựng thương hiệu đó là làm sao để khách hàng có nhiều hiểu biết về thương hiệu và từ đó tạo nên tính kết nối với thương hiệu. Nếu như xét về các lớp (layer) của tài sản thương hiệu (brand equity), mức độ hiểu biết về thương hiệu sẽ đi từ cấu tạo và tính năng sản phẩm, chất lượng sản phẩm, hình ảnh thể hiện của sản phẩm, cảm xúc, và cuối cùng là mối quan hệ giữa thương hiệu và người tiêu dùng. Và game có thể làm rất tốt điều này.

Tùy từng cấp độ mà thương hiệu có thể tiếp cận khách hàng qua game, từ xây dựng độ nhận biết thương hiệu và sản phẩm thông qua quảng cáo trong game; đến lồng ghép thông điệp thông qua những hoạt động trong game; hay có thể cho phép thương hiệu trình bày tính năng sản phẩm bằng cách cho người chơi trải nghiệm trong game. Thương hiệu cũng có thể tăng cường lòng trung thành của khách hàng qua game trong chương trình khách hàng thường xuyên (như cách thương hiệu cà phê Starbucks mở ra game Starbucks for Life cho khách hàng thường xuyên chơi để tích lũy điểm thưởng).

Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này! 

Tin liên quan

Có thể bạn quan tâm