Ngày càng có nhiều công ty lớn đang đầu tư mạnh vào canh bạc vũ trụ ảo để chuẩn bị cho làn sóng internet tiếp theo. Nhưng, bất chấp "cơn sốt" hiện tại, ý tưởng về vũ trụ ảo vẫn còn rất mông lung.
Thế giới ảo trong game Fortnite - Ảnh: Epic Games
Con người có thực sự muốn sống trong thế giới nhập vai?
Nhưng những công ty tham gia thảo luận hiện tại có lẽ chỉ muốn trấn an các nhà đầu tư rằng họ đang bắt kịp trào lưu mới nhất. Đặc biệt trong trường hợp Facebook, vũ trụ ảo sẽ là một cách hữu ích để làm phân tâm dư luận khỏi những bê bối xung quanh công ty.
Dù động cơ là gì, câu hỏi lớn vẫn còn đó. Các công ty sẽ làm thế nào để đảm bảo an toàn và riêng tư trong vũ trụ ảo? Liệu mọi người có thực sự muốn sống trong thế giới nhập vai hay không?
Avi Bar-Zeev - người sáng lập RealityPrime, từng làm việc tại Apple, Amazon và Microsoft cho biết: "Mối quan tâm lớn nhất của tôi về vũ trụ ảo là: Chúng ta đã sẵn sàng chưa? Chúng ta có đủ tiến hóa về mặt cảm xúc để vượt ra ngoài ranh giới của màn hình chưa? Chúng ta có an toàn khi bắt đầu tương tác ở cấp độ hơn cả người với người không, hay là sẽ có những kẻ phá bĩnh chúng ta?".
Từ "metaverse" xuất phát từ tiểu thuyết Snow Crash xuất bản năm 1992 của nhà văn Neal Stephenson. Trong thế giới đó, các chính phủ đã bị thay thế bằng các tập đoàn tham nhũng. Sống trong một container trữ hàng, nhân vật hacker tên Hiro Protagonist dùng vũ trụ ảo như một lối thoát cho cuộc đời bế tắc của mình. Nhưng vũ trụ ảo trong truyện cũng đầy rẫy các vấn đề nghiêm trọng như nghiện công nghệ, phân biệt đối xử, quấy rối, bạo lực, và đôi khi chúng sẽ tràn sang thế giới thực.
Điều đó rất khác xa viễn cảnh lạc quan mà Zuckerberg và những công ty khác vẽ ra, cũng như chưa có ai định nghĩa rõ ràng vũ trụ ảo sẽ như thế nào.
Giống như internet, vũ trụ ảo không phải là một công nghệ đơn nhất, mà là một hệ sinh thái được xây dựng dần dần theo thời gian với sự góp sức của nhiều công ty, sử dụng nhiều công nghệ khác nhau.
Hiện nay có những hình thức tương đồng với vũ trụ ảo, ví dụ nhiều người sẵn sàng chi hàng nghìn USD vào bất động sản ảo dù không thể đến ở, hay những game như Fortnite cho phép người chơi tạo ra thế giới ảo và mời bạn bè tham gia.
... và lặp lại những bất công trong cuộc sống thật
Cứ vài năm một lần, ý tưởng về vũ trụ ảo lại được đào lên thảo luận để rồi biến mất. Tuy nhiên, lần này có thể khác. Jesse Alton - nhóm trưởng của Open Metaverse đang phát triển tiêu chuẩn mã nguồn mở cho vũ trụ ảo - cho biết: "Có rất nhiều người vẫn đang phát triển vũ trụ ảo, chỉ là chúng tôi đang chờ đợi một số tiến bộ công nghệ nhất định".
Bất động sản ảo trên Decentraland được bán với giá gần 1 triệu USD
Những cải tiến trong bộ xử lý thiết bị di động, hệ thống game, cơ sở hạ tầng internet, kính thực tế ảo và tiền mã hóa đều là những viên gạch quan trọng để tạo ra vũ trụ ảo và đảm bảo nhiều người sẽ tham gia.
Hơn nữa, dịch Covid-19 buộc cả thế giới phải làm việc, học tập, giao tiếp từ xa, nhiều người dần quen với tương tác ảo so với thời điểm cách nay hai năm. Vậy nên các hãng công nghệ đang tận dụng cơ hội này để quảng bá khái niệm vũ trụ ảo.
Những người ủng hộ vũ trụ ảo cho rằng họ sẽ có cả một nền tảng mới để bán hàng hóa và dịch vụ số. Nhưng với ý tưởng được Mark Zuckerberg đưa ra, rằng quảng cáo sẽ là nguồn thu chính của công ty trong vũ trụ ảo, thì câu hỏi lớn đặt ra là phải chăng sẽ có các gói trải nghiệm thực tế ảo không quảng cáo dành cho người chịu trả tiền, và số còn lại thì phải "chung sống" với quảng cáo? Nếu như vây, điều đó chỉ lặp lại những bất bình đẳng trong thế giới thực.
Cùng đó, quyền riêng tư và bảo mật sẽ trở thành mối quan tâm lớn khi dữ liệu, công việc và các khoản đầu tư của con người đang dần chuyển sang dạng ảo. Thông tin sai lệch và những vấn đề cực đoan sẽ càng tồi tệ hơn trên vũ trụ ảo.