Giá cước và khuyến mại gây áp lực cho công tác quản lý

Giá cước và khuyến mại gây áp lực cho công tác quản lý
Tạp chí Nhịp sống số - Trong năm 2015, Cục Viễn thông nhận tới 810 văn bản liên quan đến công tác giá cước và khuyến mại, điều này cho thấy sự cạnh tranh trên thị trường viễn thông Việt Nam chưa bao giờ hết gay gắt.

Cạnh tranh gay gắt trên thị trường

Tại cuộc họp Tổng kết công tác năm 2015 và phương hướng, nhiệm vụ 2016 của Cục Viễn thông tổ chức vào chiều 21/12/2015 tại Hà Nội, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông, bà Lê Thị Ngọc Mơ chia sẻ, năm 2015, Cục đã nhận tới 810 văn bản cần giải quyết, liên quan đến vấn đề giá cước và khuyến mại. Cục Viễn thông cũng đã hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện đúng quy định về giá cước và khuyến mại, đảm bảo cạnh tranh lành mạnh. Cục cũng theo dõi và phân tích báo cáo tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh quản lý giá cước và khuyến mại.

Giá cước và khuyến mại gây áp lực cho công tác quản lý

Thứ trưởng Phan Tâm đánh giá cao Cục Viễn thông trong việc xây dựng và gỉải quyết số lượng văn bản rất lớn trong năm

Như vậy, kể từ khi Nghị định 25/2011/NĐ-CP của Chính phủ ra đời và có hiệu lực vào năm 2011, quy định chi tiết một số điều của Luật Viễn thông, trong đó bao gồm các hoạt động khuyến mại, thị trường viễn thông đã được điều chỉnh mạnh mẽ, góp phần dẹp bỏ nạn “loạn” khuyến mại xảy ra trong một thời gian dài trước đó.

Tuy nhiên, các nhà cung cấp dịch vụ viễn thông vẫn luôn có sự cạnh tranh gay gắt, bằng chứng là hàng loạt văn bản về giá cước và khuyến mại đã được gửi đến cục trong năm 2015. Tháng 11/2015, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm (khi đó là  Cục trưởng Cục Viễn thông) đã cho biết, các doanh nghiệp viễn thông cạnh tranh quyết liệt về giá cước, đặc biệt là có nhiều trang web không chính thức, sử dụng tên của doanh nghiệp di động, quảng cáo nhiều gói cước khuyến mại có dấu hiệu vi phạm cạnh tranh.

Trong năm 2016 tới, Cục Viễn thông sẽ dành nhiều thời gian để xây dựng các văn bản pháp luật, nhằm điều tiết hoạt động của thị trường viễn thông. Trong đó, hoạt động được ưu tiên cao nhất là việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 25/2011/NĐ-CP để phù hợp với pháp luật chung, với thông lệ và cam kết quốc tế, nhằm mục tiêu thúc đẩy cạnh tranh, phát triển bền vững, tăng cường hậu kiểm, tăng cường tính tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp, tăng cường ứng dụng CNTT, giảm thiểu các thủ túc hành chính. Văn bản này dự kiến sẽ trình vào Quý 3/2016.

Trong năm 2015, thông qua việc công bố doanh nghiệp, nhóm doanh nghiệp có vị trí thống lĩnh từng thời kỳ, theo dõi biến động thị trường viễn thông trong nước, Cục Viễn thông đã có những báo cáo trong việc ngăn chặn hành vi cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực viễn thông như giảm cước, khuyến mại không đăng ký, bù chéo dịch vụ để lôi kéo khách hàng. Ngoài ra, Cục cũng đã phối hợp Bộ Công thương, Bộ Tài chính để xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời đề xuất điều chỉnh quy định quản lý để giảm thiểu việc lách luật nhằm cạnh tranh không lành mạnh, gây mất ổn định thị trường, lãng phí đầu tư trong dịch vụ viễn thông như dịch vụ cung cấp Internet cáp quang FTTH trong thời gian vừa qua.

Quản lý cần gắn với tư duy mới

Trong buổi Tổng kết, Cục trưởng Cục Viễn thông Nguyễn Đức Trung bày tỏ, Cục mong muốn có sự phối hợp, hợp tác với các đơn vị trong các cơ quan Nhà nước để đẩy mạnh hiệu quả công tác.

Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm đánh giá cao việc Cục Viễn thông đã hoàn thành cơ bản các nhiệm vụ được giao, đặc biệt trong công tác xử lý các văn bản với số lượng đồ sộ, đồng thời xây dựng các văn bản pháp quy để điều tiết thị trường viễn thông ổn định và tăng trưởng.

Thứ trưởng Phan Tâm lưu ý thêm, trong việc xây dựng các văn bản pháp quy, Cục cần thiết phải chú trọng đến tính khả thi và tư duy kinh tế. Điều này làm thị trường được vận hành trơn tru, nhẹ nhàng hơn.

Có thể bạn quan tâm

Tập đoàn hàng đầu về quản lý năng lượng, Schneider Electric đã phát triển nhiều dòng APC UPS tân tiến trong 4 thập kỷ, giúp đảm bảo nguồn điện ổn định và tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng, hỗ trợ trung tâm dữ liệu giảm thiểu dấu chân carbron, hướng đến phát triển bền vững.