Giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số: 3 năm "nước rút" theo hướng toàn dân, toàn diện

Tạp chí Nhịp sống số - Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số, thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo: “Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp”, diễn ra ngày 9/10/2022 tại Hà Nội.

Hội thảo: Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp”, nằm trong chuỗi sự kiện của Chương trình bình chọn, trao tặng Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards năm 2022 (VDA 2022) do Hội Truyền thông số Việt Nam (VDCA) chủ trì, Bộ Thông tin và Truyền thông bảo trợ, Tạp chí điện tử VietTimes là cơ quan tổ chức thực hiện.

Con đường chuyển đổi số của Việt Nam đã dần định hình

Đại diện Ban Tổ chức cho biết, Hội thảo được tổ chức nhằm đánh giá việc tăng tốc chuyển đổi số ở các tổ chức chính trị, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp vì lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp; trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp triển khai những sáng kiến số.

“Hội thảo là một sự kiện thiết thực của VDCA để hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia 10/10, góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai các nhiệm vụ về chuyển đổi số quốc gia, thực hiện có hiệu quả Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ông Nguyễn Minh Hồng – Chủ tịch VDCA, Trưởng Ban Tổ chức VDA 2022 nói. 

Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Huy Dũng
Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Huy Dũng

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Huy Dũng nhận định: "Chuyển đổi số là một hành trình dài. Trên hành trình đó, có những thứ mà chúng ta chưa biết, chưa rõ cách làm. Năm 2021, 2022 là năm chúng ta đã cùng nhau trải nghiệm, cùng nhau khám phá, cùng nhau chia sẻ những câu chuyện thành công và cùng nhau tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Con đường chuyển đổi số của Việt Nam từ đó cũng đã dần được định hình," Thứ trưởng Nguyễn Huy Dũng cho hay.

Theo ông Nguyễn Phú Tiến, Phó Cục trưởng Cục Chuyển đổi số quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông), nếu coi năm 2020 là năm khởi động nhận thức về chuyển đổi số, năm 2021 là năm bắt đầu triển khai, trải nghiệm về chuyển đổi số trong bối cảnh đại dịch, và năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng lấy người dân làm trung tâm, toàn dân và toàn diện. Giai đoạn từ nay đến năm 2025 sẽ là giai đoạn tăng tốc chuyển đổi số với những hành động triển khai cụ thể theo từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương.

Tính đến nay, chương trình chuyển đổi số quốc gia đã đạt được các kết quả quan trọng trên cả 3 trụ cột: Chính phủ số; Kinh tế số; Xã hội số. Đáng chú ý, thống kê mới nhất của Cục chuyển đổi số quốc gia cho thấy, tính đến tháng 6/2022, tỉ trọng kinh tế số trong GDP đã đạt 10,41%, tăng mạnh so với mức 9,6% tại cuối năm 2021; Tuy vậy, vẫn còn cách khá xa mục tiêu đề ra cho năm 2025: 20% GDP.

Tăng tốc chuyển đổi số một cách thiết thực, cụ thể

Năm 2022, định hướng trọng tâm của công tác chuyển đổi số quốc gia là đưa người dân, doanh nghiệp lên môi trường số, thông qua: Phổ cập dịch vụ trực tuyến, phổ biến nền tảng số phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh; Phổ cập nền tảng số khác phục vụ nhu cầu thiết yếu; Phổ cập sử dụng sàn thương mại điện tử; Phổ cập nền tảng dạy học trực tuyến; Phổ cập nền tảng hỗ trợ tư vấn sức khỏe. Đề cập đến chủ đề tăng tốc chuyển đổi số, các đại biểu đã chia sẻ những thông tin cụ thể của từng ngành, từng lĩnh vực. 

Tăng tốc chuyển đổi số: Vì lợi ích thiết thực của người dân, doanh nghiệp
Các chuyên gia trao đổi tại tọa đàm

Đại tá Vũ Văn Tấn – Phó Cục trưởng Cục Quản lý hành chính về trật tự xã hội (Bộ Công an) cho biết: Bộ Công an đã xây dựng và triển khai thành công Hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và chính thức đưa vào vận hành từ 01/7/2021 với mục tiêu là một hệ thống thông tin lõi, cơ sở dữ liệu “gốc” của toàn bộ công dân Việt Nam. Việc cấp thẻ CCCD gắn chip (hiện đạt 71,8 triệu thẻ) đã mở ra cơ hội mới trong việc ứng dụng phát triển các dịch vụ bảo đảm an ninh, an toàn, cải cách hành chính phục vụ người dân và doanh nghiệp. Bộ Công an cũng đã triển khai xây dựng hệ thống Định danh và xác thực điện tử và chính thức cấp tài khoản định danh điện tử, đưa hệ thống vào vận hành kể từ ngày 18/7/2022.

Việc ứng dụng tiện ích từ dữ liệu dân cư, căn cước công dân, định danh xác thực điện tử là bước cải cách đột phá về thủ tục hành chính và giao dịch điện tử tạo điều kiện thuận lợi, giúp cho người dân tiết kiệm thời gian, công sức; Đồng thời đem lại lợi ích kinh tế rất to lớn như tiết kiệm 5.385 tỷ đồng tiền phát hành cho 107,7 triệu thẻ ATM hiện đang sử dụng khi triển khai sử dụng thẻ CCCD thay cho thẻ ATM.

Chia sẻ về các giải pháp số trong hoạt động vận tải, ông Phùng Trọng Văn – Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin, Bộ Giao thông Vận tải - khẳng định chuyển đổi số đã mang lại hàng loạt lợi ích. Bên cạnh việc hình thành được dữ liệu tập trung để phục vụ công tác quản lý, điều hành, chuyển đổi số trong lĩnh vực vận tải đã cũng đem đến hàng loạt lợi ích cho người dân, doanh nghiệp, như: Có thể thực hiện dịch vụ tại bất cứ đâu; Tiết kiệm thời gian và chi phí; Tra cứu trạng thái giải quyết hồ sơ; Hỗ trợ số hóa, lưu trữ hồ sơ để tái sử dụng lần sau; Hình thành dữ liệu đơn vị (dữ liệu xe, tuyến khai thác, xử phạt hành chính,…) giúp quản lý thuận tiện hơn.

Ông Nguyễn Đức Minh, Giám đốc khối Nghiệp vụ doanh nghiệp và Tư vấn giải pháp tại FPT Digital khẳng định chuyển đổi số đã trở thành một hướng đi chiến lược cho các doanh nghiệp tồn tại và phát triển.

Nhìn nhận “chuyển đổi số là thời kỳ “cá nhanh thắng cá chậm”, doanh nghiệp nào có chiến lược chuyển đổi số bài bản, nhanh chóng, phù hợp sẽ giành ưu thế trên đường đua”, ông Minh cho rằng các doanh nghiệp khi thực hiện chuyển đổi số nhất định phải bắt đầu bằng cách làm đúng và có một lộ trình phù hợp.

Ông Huỳnh Long Thủy - TGĐ VieON - thì chia sẻ câu chuyện từ chính doanh nghiệp mình: "dù là doanh nghiệp công nghệ nhưng chuyển đổi số vẫn là bài toán khó".

Theo ông, một doanh nghiệp cần phải kết nối được các mắt xích về thông tin, làm sao để những thông tin đó được chuyển tới lãnh đạo một cách nhanh chóng và tổng quát: từ sức khỏe doanh nghiệp, hoạt động về kinh doanh cho tới số lượng người dùng... Một vấn đề quan trọng khác nữa là ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Từ những dữ liệu được nhập lên, AI có thể đưa ra được những dự báo về tương lai. Khi áp dụng AI trong doanh nghiệp, nó có thể giúp đưa ra những dự báo có độ chính xác cao để người điều hành dựa trên đó mà đưa ra quyết định, đưa ra những phương án kinh doanh tốt nhất. 

Có thể bạn quan tâm